Vì sao Đức từ chối cung cấp vũ khí đe dọa an ninh của Nga cho Ukraine?
Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây tuyên bố, nước này sẽ không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí có thể được sử dụng để tấn công các vùng lãnh thổ của Nga.
Ông Scholz nhắc lại quan điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người cũng từ chối cung cấp cho Kiev loại thiết bị quân sự kiểu này.
“Tôi nghĩ rằng mọi người khác nên tuân theo nguyên tắc này. Chúng tôi sẽ không hành động một mình và sẽ luôn được hướng dẫn bởi những gì các đồng minh đang làm”, ông Scholz chia sẻ với ấn phẩm trên T-Online.
Đức từ chối cung cấp vũ khí đe dọa an ninh của Nga cho Ukraine. (Ảnh: Global Look Press) |
Theo ông Scholz, các quyết định về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine phải được tiếp cận một cách thận trọng và có cân nhắc. Ông Scholz nói rằng, mục tiêu chính là hỗ trợ Kiev, nhưng điều quan trọng là phải ngăn chặn sự leo thang nghiêm trọng của tình hình xung quanh Ukraine.
Ông Scholz nói thêm, Ukraine sẽ nhận được một số bệ phóng tên lửa, một pháo phòng không tự hành Gepard và các radar.
Hôm 24/8, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cho biết, quân đội Đức đang gặp vấn đề với nguồn cung của chính mình do hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Bà Baerbock cũng nói thêm, sự “thiếu quyết đoán” của Berlin trong vấn đề cung cấp vũ khí cho chế độ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nỗ lực của Đức để đưa đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) đi vào hoạt động đã gây ra ác cảm từ phía các nước đối tác của Đức ở Đông Âu và Baltics.
Trước đó, hôm 21/8, các nhà chức trách Đức đã công bố danh sách các loại vũ khí đã hoặc sẽ được chuyển giao cho Ukraine. Bao gồm 30 pháo tự hành phòng không Gepard, hệ thống phòng không IRIS-T, hệ thống tên lửa phóng loạt MARS và các vũ khí khác.
Bên cạnh đó, theo thông báo của Thủ tướng Olaf Scholz, Đức chuẩn bị cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine, trị giá hơn 500 triệu euro (tương đương 499,3 triệu USD), nhằm giúp Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga.
Trong chuyến công du của Thủ tướng Scholz tới Canada, người phát ngôn của chính phủ Đức hôm 23/8 cho biết, các thiết bị quân sự Đức cam kết gửi cho Ukraine bao gồm 3 hệ thống phòng không IRIS-T, khoảng một chục phương tiện bọc thép, 20 bệ phóng tên lửa gắn trên xe bán tải, đạn dược chính xác và thiết bị chống máy bay không người lái.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin, số vũ khí này sẽ được bàn giao cho Ukraine vào năm 2023, một số loại có thể được chuyển giao sớm hơn. Kế hoạch này vẫn cần được ủy ban ngân sách Quốc hội Đức phê duyệt.
Được biết, Đức đã cung cấp cho Ukraine 15 hệ thống phòng không Gepard, 10 pháo tự hành, một số tàu sân bay bọc thép, hàng trăm hệ thống phòng không di động, cũng như một loạt vũ khí gây sát thương và không gây sát thương khác.
Về phía Nga, Moscow đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây ngừng “bơm” vũ khí cho Kiev. Theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, bằng cách cung cấp vũ khí cho Ukraine, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tham gia vào một cuộc chiến ủy nhiệm với Nga. Ông Lavrov lưu ý rằng, vũ khí phương Tây cung cấp cho Kiev sẽ là mục tiêu hợp pháp của quân đội Nga tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt.
Thanh Bình (lược dịch)
Taliban có ‘động thái lạ’ gần biên giới của Tajikistan
Taliban được cho đang chuyển quân đội đến biên giới của Tajikistan.
Army Games 2022: Kết quả trận Bán kết 2, kíp xe tăng Việt Nam hoàn thành xuất sắc phần thi hạ 19/24 mục tiêu
Hôm 24/8, trong khuôn khổ Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games) 2022 nội dung “Xe tăng hành tiến” (Tank Biathlon) đã diễn ra trận bán kết 2 của Nhóm 2 gồm các đội Kazakhstan, Trung Quốc, Azerbaijan và Việt Nam.