Nga và Mỹ có thể chạy đua vũ trang như thời Chiến tranh Lạnh?
Mới đây, trong một cuộc phỏng vấn với RIA, ông Yuri Nazarkin, trưởng phái đoàn Liên Xô tại cuộc đàm phán với Mỹ về hiệp ước START-1 đã đưa ra dự đoán về tình hình liên quan đến việc gia hạn hiệp ước START-3.
Theo đó, ông Nazarkin dự đoán Nga và Mỹ sẽ xảy ra một cuộc chạy đua vũ trang nếu Washington quyết định không gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3).
Được biết, Hiệp ước New START được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.
Nga và Mỹ có thể chạy đua vũ trang như trong Chiến tranh Lạnh? (Ảnh: RIA) |
Ông Nazarkin nhắc lại rằng START-3 là hiệp ước duy nhất đang có hiệu lực giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực giải trừ hạt nhân. “Hiệp ước này ít nhất cũng hạn chế được tình trạng chạy đua vũ trang. Nói chung, tất nhiên là vẫn có chạy đua, nhưng tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát. Bởi vẫn tồn tại một số cơ chế hạn chế”, ông Nazarkin cho biết.
Cũng theo ông Nazarkin, nếu hiệp ước không được gia hạn, thì sẽ không còn bất cứ khuôn khổ nào giữa Nga và Mỹ. Trong trường hợp này, cuộc chạy đua vũ trang sẽ diễn ra mà không có bất cứ hạn chế nào như ở trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh khi không có bất kỳ hiệp ước nào giữa hai bên. Ông Nazarkin cho rằng, triển vọng trong những năm tới có vẻ “rất đáng thất vọng”.
Ngoài ra, theo ông Nazarkin khả năng gia hạn hiệp ước dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump hiện nay là “bằng không”.
Các điều kiện của Mỹ nêu ra để gia hạn START-3 là không thực tế
Theo ông Nazarkin, các điều kiện của Mỹ để gia hạn hiệp ước START-3 là không thực tế, để làm được như vậy cần phải ký kết một hiệp ước mới và điều này sẽ mất nhiều thời gian.
“Việc gia hạn hiệp ước START-3 hiện tại là một chuyện. Bản thân hiệp ước này quy định gia hạn một lần trong 5 năm. Và nếu công nhận các điều kiện mà Mỹ đưa ra, thì chúng ta có thể nói về một hiệp ước mới. Việc chuẩn bị và ký kết đòi hỏi các cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn”, ông Nazarkin bày tỏ quan điểm.
Ông Nazarkin cho rằng, nếu yêu cầu bao gồm “vũ khí hạt nhân chiến thuật” trong START-3 sẽ đòi hỏi ký kết một hiệp ước hoàn toàn mới, vì việc kiểm soát các loại vũ khí này khác với các phương tiện vận chuyển vũ khí tấn công chiến lược.
“Về việc đưa Trung Quốc vào hiệp ước này, tôi cho rằng đây là những yêu cầu hoàn toàn không thực tế. Tất nhiên đây sẽ là điều tốt bởi Trung Quốc, Mỹ và Nga là ba cường quốc hạt nhân, nhưng còn có Pháp, Anh, Ấn Độ, Pakistan, Israel, Triều Tiên, mặc dù Bình Nhưỡng vẫn không có nhiều vũ khí như vậy. Nhưng tôi nhắc lại đây sẽ là một hiệp ước hoàn toàn mới”, ông Nazarkin nhận định.
Qua đó, ông Nazarkin tin tưởng rằng rất ít khả năng cuộc đàm phán về một thỏa thuận như vậy sẽ bắt đầu trong tương lai gần, bên cạnh đó, đây sẽ là một quá trình lâu dài và tốn nhiều công sức. “Do đó, cần phải gia hạn hiệp ước hiện tại, điều này có thể cho phép các bên đàm phán về một văn kiện mới, nhằm giảm mức vũ khí chiến lược và có thể xem xét cách cải thiện khả năng kiểm soát chúng”, ông Nazarkin nhấn mạnh.
Theo Hiệp ước New START được ký năm 2010, Mỹ và Nga mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân...
Trước đó, vào tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định cuộc đàm phán với Nga về giải trừ hạt nhân là vấn đề quốc tế lớn nhất. Vào tháng 6, Moscow và Washington đã nhất trí thành lập ba nhóm công tác để thảo luận về sự hợp tác trong tương lai.
Vòng đàm phán mới đã được tổ chức vào ngày 16-18/8 tại Vienna. Phái đoàn Nga sẽ do Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov dẫn đầu, phái đoàn Mỹ do Đặc phái viên của Tổng thống về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea làm trưởng đoàn. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục bế tắc.
Top 5 máy bay chiến đấu đáng gờm nhất Thế chiến II
Trong khi bộ binh và xe tăng là át chủ bài trên bộ thì máy bay quân sự chiến đấu để giành ưu thế trên không.
Thanh Bình (lược dịch)