Nga sẵn sàng cung cấp UAV ‘khủng’ cho Armenia để giám sát vùng Nagorno-Karabakh
Nga đã sẵn sàng xuất khẩu máy bay không người lái (UAV) quân sự sang các nước khác, bao gồm cả việc xuất khẩu UAV Orion-E cho Armenia.
TASS dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật và Quân sự Liên bang Nga Valeria Reshetnikova cho biết: "Hiện tại, chúng tôi đã có một số UAV để xuất khẩu, đặc biệt là những UAV hoạt động trong thời gian dài như UAV Orion-E, nếu phía Armenia đưa ra các yêu cầu tương ứng, chúng tôi sẽ tiến hành theo các thủ tục để xuất khẩu một cách sớm nhất".
Theo báo cáo, UAV Orion-E là loại UAV hoạt động thời gian dài ở độ cao tầm trung, trọng lượng cất cánh tối đa là 1 tấn và trọng tải tối đa là 200 kg.
Mỹ đánh giá cao dòng UAV Orion của Nga. Nguồn: huanqiu. |
Ngoài ra, dòng UAV Orion còn có khả năng sử dụng tên lửa để tấn công chính xác các mục tiêu mặt đất. Đài truyền hình Russia-24 đã phát sóng cuộc tấn công của máy bay vào các mục tiêu mặt đất trong một chương trình hồi cuối tháng 3/2021. Trong chương trình, UAV Orion của Nga đã được thử nghiệm tại một bãi thử quân sự và tiêu diệt máy bay L-39 bằng tên lửa tấn công có độ chính xác cao.
Cuối năm 2020, một nguồn tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, UAV Orion đã phóng một tên lửa nhỏ tới mục tiêu mặt đất trong cuộc thử nghiệm, đây là lần đầu tiên một UAV của Nga được trang bị loại vũ khí này.
Trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh nổ ra vào cuối tháng 9/2020, Quân đội Azerbaijan đã sử dụng UAV của Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo để gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng mặt đất Armenia. Các hệ thống phòng không do Nga trang bị cho Armenia dường như không thể ngăn cản được các UAV này. Sau xung đột, Armenia đã nhanh chóng xem xét mua sắm các loại UAV lái tiên tiến để nâng cao khả năng chiến đấu.
UAV Orion là sản phẩm của Tập đoàn Kronshtadt của Nga. Phiên bản nội địa và xuất khẩu đều được giới thiệu từ năm 2017. Bề ngoài của máy bay có nét tương đồng với UAV Wing Loong của Trung Quốc và МQ-9 Reaper của Mỹ.
Thời gian qua, Kronshtadt đã đưa UAV Orion E tới trưng bày tại Triển lãm An ninh và Quốc phòng - LAAD ở Brazil và Triển lãm Hàng hải và Hàng không Quốc tế Langkawi - LIMA ở Malaysia, coi đây là nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu dòng UAV này ra nước ngoài.
Orion có sải cánh dài 16 m, thân dài 8 m, thuộc lớp UAV cỡ trung, chiếm vị trí giữa lớp UAV S-70 Okhotnik cỡ lớn và UAV trinh sát cỡ nhỏ. Nó được trang bị động cơ xăng có công suất khoảng 100 mã lực được đặt ở phía sau thân máy bay, có thể bay cao tới 7,5 km trong 24 giờ liên tục, tốc độ hành trình 200 km/h, phạm vi hoạt động 300 km.
UAV Orion-E của Nga đã sẵn sàng để xuất khẩu. Nguồn: huanqiu. |
Một hệ thống UAV Orion hoàn chỉnh bao gồm 4-6 máy bay, trạm kiểm soát mặt đất, hệ thống cất cánh và hạ cánh tự động, và các trang thiết bị liên lạc. Khác với nhiều dòng cùng phân khúc của Mỹ hay Israel, UAV Orion ban đầu được phát triển chỉ dành cho nhiệm vụ do thám, trinh sát.
Máy bay được trang bị hệ thống cung cấp ảnh nhiệt, camera góc rộng, hệ thống xác định mục tiêu/ khoảng cách. Hệ thống quang điện tử trên UAV Orion phát hiện và theo dõi mục tiêu ở chế độ tự động và điều chỉnh đường bay của tên lửa dẫn đường.
Phiên bản UAV Orion E có khả năng mang được tối đa 4 quả bom thông minh (50 kg/quả) hoặc một số loại tên lửa tầm nhiệt cỡ nhỏ, trong khi các tính năng do thám, trinh sát vẫn được giữ nguyên. Máy bay được điều khiển bằng trạm chỉ huy qua kênh vô tuyến, phạm vi tín hiệu 250 km.
Đầu tháng 4/2019, UAV Orion được cho là đã tiến hành cuộc không kích tổ chức khủng bố Hay’at Tahrir Al-Sham (một chi nhánh al-Qaeda tại Syria) ở thị trấn Zaka, phía bắc Hama, Syria. Ngoài khả năng trinh sát và chiến đấu, UAV Orion còn có khả năng “độc quyền” là điều khiển cả các UAV khác nhằm tối đa hóa hiệu quả chiến đấu.
UAV tấn công Sirius nặng hai tấn là giai đoạn phát triển tiếp theo của dự án UAV Orion. Các nhà phát triển cho biết, nguyên mẫu UAV Sirius sẽ thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên trong năm tới. Máy bay tấn công không người lái sẽ được trang bị tổ hợp liên lạc vệ tinh cho phép vận hành nó ở hầu hết mọi nơi trên hành tinh.
Siêu tên lửa AGM-183A của Mỹ thất bại trong lần thử đầu tiên
Siêu tên lửa AGM-183A của Không quân Mỹ đã “tịt ngòi” trong cuộc thử nghiệm đầu tiên vừa qua, tên lửa này được Mỹ kỳ vọng sẽ cạnh tranh với Kh-47M2 Kinzhal của Nga
Đức Trí (lược dịch)