IISS: Chạy đua vũ trang ‘vẫn không dừng lại’ bất chấp khủng hoảng
Tờ Le Figaro của Pháp trích dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho hay, đại dịch Covid-19 không dừng lại mà chỉ làm chậm lại một chút tốc độ tăng chi tiêu quân sự của các cường quốc hàng đầu thế giới.
Theo đó, vai trò hàng đầu vẫn do Mỹ và Trung Quốc nắm giữ, nhưng các chuyên gia sẽ chỉ có thể đánh giá tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng vào năm 2023.
Le Figaro cho rằng, đại dịch Covid-19 không ngăn được cuộc chạy đua vũ trang mà chỉ khiến nó chậm lại một chút. Theo IISS, một năm sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, chi tiêu quân sự tiếp tục tăng: năm 2020, con số này lên tới 2,08% GDP toàn cầu, tăng từ 1,85% vào năm 2019.
Chạy đua vũ trang ‘vẫn không dừng lại’ bất chấp khủng hoảng. (Ảnh minh họa) |
Năm 2020, 1.830 tỉ USD đã được chi cho vũ khí, cao hơn 3,9% so với năm 2019. Đồng thời, tốc độ tăng chi tiêu quân sự chậm lại một chút, từ năm 2018 đến năm 2019 là 4,4%. Theo giới phân tích, để đánh giá tác động thực sự của đại dịch đối với ngân sách quân sự của các cường quốc trên thế giới, cần phải đợi đến năm 2022-2023.
Trong khi đó, theo ấn phẩm của Pháp, trong cuộc cạnh tranh chiến lược này Mỹ là nước đã chi 738 tỉ USD cho quốc phòng vào năm 2020, và Trung Quốc chi 193,3 tỉ USD. Con số này chiếm 2/3 mức tăng trưởng chi tiêu quân sự ở cấp độ toàn cầu. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cũng chỉ ra rằng sự cạnh tranh đang gia tăng trên biển, nơi châu Âu có thể mất ưu thế.
Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục tăng cường khả năng triển khai quân và chiếm giữ hàng hải. Nhóm nghiên cứu của IISS cảnh báo, sự ra đời của các tên lửa phòng không và tàu ngầm mới có thể gây nguy hiểm cho cán cân sức mạnh trên biển. Đồng thời, có sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington về công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, vật lý lượng tử, dữ liệu lớn, hệ thống tự trị.
Cũng theo Le Figaro, sự gia tăng căng thẳng trên thế giới cũng dẫn đến việc nhiều quốc gia khác quyết định tham gia trang bị vũ khí. Ấn Độ đứng thứ ba trong danh sách của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, khi nước này chi 64,1 tỉ USD, trong khi Nga đứng thứ 5 với 60,6 tỉ USD. Trái ngược với xu hướng chung, chi tiêu quốc phòng ở Trung Đông giảm xuống còn 150 tỉ USD sau khi giá dầu giảm.
Theo IISS, Anh (61,5 tỉ USD), Pháp (55 tỉ USD) và Đức (51,3 tỉ USD) tiếp tục tăng cường phòng thủ. Trong số các nước châu Âu là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chỉ số chi tiêu quân sự trung bình tăng từ 1,25% GDP năm 2014 lên 1,64% GDP năm 2020. Chín trong số 30 quốc gia của liên minh đang tôn trọng các cam kết được thực hiện trong năm 2014 và dành ít nhất 2% GDP của cho quốc phòng.
“Đại dịch đã trở thành một bài kiểm tra về khả năng phục hồi của các quốc gia và bộc lộ những điểm yếu. Trong báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhấn mạnh rằng, mặc dù vẫn chưa xác định được tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng, bất chấp những kịch bản bi quan nhất, tác động của đại dịch đối với chính sách an ninh và quốc phòng tại thời điểm hiện tại tiếp tục là tương đối có giới hạn”, Le Figaro kết luận
Do đó, Le Figaro cho rằng, các cường quốc trên thế giới đã nhớ lại bài học của cuộc khủng hoảng năm 2008 khiến ngân sách quốc phòng bị cắt giảm nghiêm trọng.
Bộ Ngoại giao Đức lên tiếng về Nord Stream 2
Cho đến nay, Berlin mới chỉ nhận được “tín hiệu” từ Washington về Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2), nhưng không biết chính sách của Mỹ sẽ như thế nào trong vấn đề này.
Thanh Bình (lược dịch)