Quân đội Trung Quốc điều 11 binh sĩ tới Nga làm gì?
Quân đội Trung Quốc điều động 11 binh sĩ tới Nga tham gia hội thao quân sự nhằm tăng cường khả năng chiến đấu trong điều kiện khắc nghiệt.
Trung Quốc điều động một nhóm binh sĩ tới tham gia cuộc thi quân sự ở Nga nhằm đánh giá các kỹ năng hoạt động trong mùa đông trên địa hình núi phủ đầy tuyết.
Trong tuyên bố, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay 11 binh sĩ thuộc Cụm Tập đoàn quân số 78 đóng quân ở thành phố Cáp Nhĩ Tân thuộc tỉnh Hắc Long Giang sẽ tới Nga vào ngày mai (2/4) để tham gia chuyến đi qua dãy núi Tây Sayan. Những thử thách trong hành trình này gồm xác định nạn nhân bị mắc kẹt trong trận lở tuyết, cứu hộ, cũng như tập bắn và sử dụng lựu đạn. Cụm Tập đoàn quân số 78 trực thuộc Chiến khu Bắc Bộ thuộc quân đội Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc điều 11 binh sĩ tới Nga tham gia tranh tài quân sự. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Cuộc thi Sayan tháng Ba bắt đầu từ ngày 14 – 17/4 là cuộc diễn tập đầu tiên trong chuỗi 34 đợt tập trận diễn ra trong khuôn khổ Hội thao quân sự quốc tế năm nay. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc tham gia ngay chặng đầu của cuộc thi.
Chỉ huy nhóm binh sĩ Trung Quốc là ông Cui Yingbin chia sẻ với PLA Daily rằng, Trung Quốc muốn kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu thông qua các cuộc thi.
“Bằng cách thi đấu với những binh sĩ đến từ các nước khác, chúng tôi không chỉ đánh giá được khả năng sẵn sàng chiến đấu của binh sĩ, mà còn tăng cường tình hữu nghị cũng như sự hợp tác và trao đổi quân sự giữa các nước”, ông Cui nói.
PLA Daily còn dẫn lời Xu Bing, 1 trong 11 binh sĩ Trung Quốc được lựa chọn cử tới Nga thi đấu, nhấn mạnh tất cả binh sĩ tham gia cuộc thi quyết tâm thể hiện khả năng tốt nhất.
Chuyên gia quân sự Hong Kong Song Zhongping nhận định, Trung Quốc có mối quan hệ lâu đời với Nga trong quá trình phát triển sức mạnh quân sự từ thiết kế khí tài, cho tới cấu trúc của các lực lượng vũ trang. Cuộc thi Sayan tháng Ba là cơ hội để quân đội Trung Quốc học hỏi thêm ở Nga khi phải chiến đấu ở các điều kiện khắc nghiệt.
“Trung Quốc đang có tranh chấp biên giới với Ấn Độ và chiến trường ở cao nguyên Tây Tạng là nơi có địa hình cao, cùng thời tiết lạnh giá khắc nghiệp. Trung Quốc cần tích lũy thêm kinh nghiệm để đối phó với những căng thẳng mới và chuẩn bị sẵn phương án ứng trước những hành động khiêu khích từ Ấn Độ”, ông Song nói.
Cũng theo ông Song, quân đội Trung Quốc còn muốn tăng cường khả năng bảo vệ các lợi ích quốc gia ở nước ngoài bao gồm những nơi có địa hình phức tạp và thời tiết khắc nghiệt.
Trung - Ấn có chung một trong những đường biên giới trên đất liền dài nhất thế giới. Thậm chí, quân đội Trung - Ấn từng vài lần xảy ra xung đột đẫm máu bao gồm cuộc chiến trên dãy Himalaya năm 1962.
Năm 2020 chứng kiến căng thẳng Trung - Ấn leo thang tới đỉnh điểm kể từ sau cuộc đụng độ đẫm máu hồi tháng Sáu, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng ở phía đông Ladakh. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh thừa nhận có thương vong bên quân đội Trung Quốc, nhưng vẫn giấu thông tin về số lượng cụ thể. Đây được xem là cuộc xung đột biên giới nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ tranh chấp kéo dài 70 ngày tại cao nguyên Doklam hồi năm 2017.
Tới ngày 19/2, Trung Quốc mới lần đầu tiên lên tiếng xác nhận số lượng binh sĩ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với quân đội Ấn Độ ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy núi Himalaya vào tháng 6/2020 là 4 người. Bốn binh sĩ Trung Quốc đã được truy tặng danh hiệu sau khi hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.
Hiện tại, Trung - Ấn đã cho rút quân, xe tăng và các thiết bị quân sự khỏi bờ phía bắc và phía nam của Pangong Tso, hồ băng nằm ở bang Ladakh, sau khi đại diện quân đội hai nước đạt được một thỏa thuận trong tháng Hai. Hồ Pangong Tso lâu nay là điểm nóng tranh chấp khiến quan hệ Trung - Ấn rơi vào cảnh căng thẳng kéo dài.
Trên thực tế, Trung Quốc ngày càng tăng cường quan hệ hợp tác với Nga nhất là trên mặt trận quân sự, giữa lúc quan hệ giữa Bắc Kinh và các nước phương Tây rơi vào cảnh căng thẳng nghiêm trọng.
Hồi tháng 12/2020, Nga – Trung đã ký kết kéo dài thêm 10 năm hiệp ước thông báo về các vụ phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa vũ trụ giữa 2 nước.
Cũng trong năm 2020, Trung Quốc đã tham gia Hội thao quân sự quốc tế của Nga, cũng như cuộc tập trận quân sự quy mô lớn Kavkaz-2020. Hai nước còn tiến hành tuần tra chiến lược trên không lần thứ 2 ở biển Nhật Bản và biển Hoa Đông hồi tháng 12/2020. Hoạt động tuần tra chung đầu tiên của Nga – Trung ở 2 khu vực này là vào tháng 7/2019.
Năm nay còn đánh dấu kỷ niệm 20 năm Hiệp ước Hợp tác Hữu nghị và Tình Hàng xóm tốt giữa Nga – Trung.
Ba lý do khiến quan hệ Nga và Trung Quốc khăng khít
Thời báo Hoàn Cầu nhận định, dù có bất đồng quan điểm trong quá khứ, nhưng giờ đây Bắc Kinh và Moscow đã trở thành đối tác chiến lược thực sự không thể tách rời.
Minh Thu (lược dịch)