Quá nửa tập đoàn, Tcty kinh doanh bằng vốn chiếm dụng, sử dụng sai mục đích
Quá nửa tập đoàn, Tcty kinh doanh bằng vốn chiếm dụng, sử dụng sai mục đích
Tỷ lệ vốn đầu tư ngoài ngành của TKV năm 2010 lên tới 12,09% vốn điều lệ |
Năm 2011 Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của 268 doanh nghiệp (DN) thuộc 21 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Theo đó, tại nhiều DN tỷ lệ vốn bị chiếm dụng cao, nợ quá hạn và khó đòi phát sinh lớn. Nợ phải thu trên tổng tài sản của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn là 50,88%; Tổng công ty Xây dựng Đường thủy là 37,58%; Tổng công ty Cơ điện xây dựng Nông nghiệp và Thủy lợi là 31,13%... nên dễ gặp phải nguy cơ mất an toàn, mất cân đối tài chính, đặc biệt là những DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản và những DN mà sản phẩm có giá trị lớn, thời gian sản xuất kéo dài.
Mặc dù tỷ lệ đầu tư tài chính so với tổng tài sản, vốn điều lệ của các DN không lớn, nhưng do đa số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đều có hoạt động đầu tư ngoài ngành nên đã ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh chính của các “đầu tàu” kinh tế.
Cụ thể: công ty mẹ Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) là 672 tỷ đồng, bằng 10,37% vốn điều lệ; công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 4.551,4 tỷ đồng, bằng 4,13% vốn điều lệ; công ty mẹ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) là 1.828,8 tỷ đồng (không bao gồm điện, năng lượng) bằng 12,09% vốn điều lệ... Cá biệt, có những đơn vị số vốn đầu tư ngoài ngành còn vượt cả vốn điều lệ.
Lãnh đạo KTNN cho rằng, tỷ lệ đầu tư ngoài ngành của một số tập đoàn, Tổng Công ty như Vicem, TKV, Vinalines, EVN… chỉ khoảng 4-12%, nhưng chủ yếu là vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán. Vì thế, khi thị trường xuống dốc, số các tập đoàn này phải hứng chịu thua lỗ là điều dễ hiểu. “Càng ngâm vốn lâu trong các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành càng gây thiệt hại lớn” – ông Lê Minh Khái – Phó tổng KTNN thẳng thắn thừa nhận.
Theo KTNN, Tập đoàn EVN trước thuế năm 2010 lỗ 8.416 tỷ đồng; Tổng công ty xây dựng đường thủy lỗ 73,5 tỷ đồng...
Bên cạnh đó, một số DN do kinh nghiệm quản trị yếu kém và ảnh hưởng chung của khủng hoảng kinh tế nên hoạt động đầu tư hiệu quả thấp. Điều này được chứng minh qua tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư ngoài ngành. Tại công ty mẹ - Tập đoàn Than Khoáng sản, tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư vào tài chính, chứng khoán, bất động sản chỉ đạt 7,94%, cơ khí đóng tàu là 4,61%, lĩnh vực khác chỉ vỏn vẹn… 0,41%.
Cũng đầu tư mạnh vào tài chính, bất động sản, chứng khoán, tỷ suất lợi nhuận của công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực đạt 7,83%. Riêng hoạt động viễn thông, EVN lỗ 1.057,7 tỷ đồng (chưa bao gồm 1.026 tỷ đồng thiết bị đầu cuối chưa phân bổ từ năm 2006-2008).
Trong khi lĩnh vực tài chính, chứng khoán đạt tỷ suất lợi nhuận 8,63%, thì Vinalines lại chưa thu được một đồng lợi nhuận nào từ hoạt động đóng tàu, bất động sản, dù đầu tư đã lâu.
Bóc tách khoản lỗ tới hơn 8.400 tỷ đồng của EVN, ông Lê Minh Khái cho rằng, năm 2010 lỗ của EVN từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện lên tới trên 10.500 tỷ đồng, lỗ do đầu tư tại EVN Telecom đem lại là 805 tỷ đồng. “Nếu trừ đi lợi nhuận tài chính và các khoản lợi nhuận khác khoảng 2.930 tỷ đồng thì lỗ của EVN mới giảm xuống còn 8.416 tỷ đồng như báo cáo kiểm toán” – ông Khái nhấn mạnh.
Một điều đáng chú ý mà báo cáo KTNN nêu, có tới 11/21 tập đoàn, tổng công ty hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa trên vốn chiếm dụng, vốn vay, sử dụng vốn sai mục đích... Trong đó, một số DN có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số rất cao, như Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn có hệ số nợ phải trả gấp 9,19 lần vốn chủ sở hữu; Tổng Công ty Cơ điện Xây dựng nông nghiệp và thủy lợi là 4,39 lần; Tổng Công ty Xây dựng và phát triển hạ tầng là 4,79 lần; Tập đoàn HUD là 4,01 lần; EVN là 3,83 lần, Vinacomin là 2,15 lần...
Nguyễn Hoài