Quà 8/3 và kỷ niệm "hút chết" của cô giáo vùng cao
Cô giáo Trần Lệ Quyên (30 tuổi), hiện là hiệu trưởng trường trung học cơ sở (THCS) Bản Giang (xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu). Năm 22 tuổi, khi có được tấm bằng đại học, chị Quyên đã quyết định xung phong lên nhận công tác tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. 10 năm đã trôi qua, chị vẫn kiên định bám trường, bám bản.
Suýt chết trên đườngNhững cống hiến và sự hi sinh của các cô giáo vùng cao không phải ai cũng biết rõ và hiểu được. Có những câu chuyện về sự gian nan, vất vả, những khoảnh khắc cận kề nguy hiểm, khắc sâu trong trong tâm trí.
Chị Quyên nhớ lại: “Cuối học kì hai năm học 2006 – 2007, một em học sinh lớp tôi chủ nhiệm nghỉ học ở nhà lấy vợ. Tôi cùng học sinh trong lớp vào nhà vận động em đến trường. Bốn lần vào đều không gặp.
Một hôm, tranh thủ không có tiết, tôi vào từ sớm, đợi đến tận trưa thì cũng gặp được. Sau một tiếng đồng hồ thuyết phục, em ấy đồng ý mai sẽ đi học nhưng vẫn cưới vợ vì các thủ tục của người dân tộc Giấy đã xong, chỉ chờ ngày cưới nên không bỏ được. Ba ngày sau vẫn không thấy học sinh đâu cả, tôi lại vào lần nữa. Vào đến nhà học sinh thì bố mẹ em bảo nó thấy cô giáo từ đằng xa đã bỏ chạy rồi, nó không chịu đi học vì xấu hổ với bạn, với cô giáo.
Đợi mãi đến chiều muộn vẫn không thấy học sinh nên tôi đành phải ra về. Hôm đó, trời vừa mưa xong, bụng đã to vì mang thai sang tháng thứ năm, đường ruộng trơn, giữa đường lại phải đi qua một chiếc cầu treo cũ kĩ, nhiều mảnh gỗ ghép cầu đã gãy, thủng lỗ chỗ. Trời sắp tối nên tôi phải đánh liều dắt xe qua cầu treo. Đi gần hết cầu thì một nan cầu đột nhiên bị gãy, tôi bị trượt ngã. May mà chỗ đó có các dây thép treo cầu nên tôi không bị rơi xuống suối.
Người tôi bị xe đè lên, một chân thụt xuống dưới gầm cầu không cựa quậy được. Chưa biết xoay sở thế nào thì thấy từ xa cậu học sinh của tôi hốt hoảng chạy tới. Em kéo xe ra rồi đỡ cho tôi đứng dậy. Em rối rít xin lỗi và hứa mai sẽ đi học, cô giáo không phải vất vả vào nhà em nữa”.
Cô giáo Trần Lệ Quyên cùng học trò của mình |
Nhiều thầy cô không trụ nổi ở nơi đây đã phải xin chuyển công tác. Mỗi sự ra đi của các thầy cô là một sự luyến tiếc lớn. Thấu hiểu được sự vất vả, nỗi trăn trở khó nói của những nhà giáo trẻ, chị Quyên mong sao nhiệt huyết của các thầy cô sẽ luôn tràn đầy để giúp học sinh vùng khó cải thiện tương lai.
Món quà 8/3: Học sinh đừng bỏ học nữa!
Dồn hết tâm tư và nhiệt huyết tuổi trẻ cho các em học sinh dân tộc vùng đặc biệt khó khăn, “món quà” ngày 8/3 mà chị Quyên mong muốn nhận được đó là các em học sinh ở những vùng khó khăn đều được tới trường và học tập như tất cả các bạn học sinh khác trong cả nước, để các em có tương lai tốt đẹp, sáng sủa hơn.
Chị Quyên chia sẻ: “Đối với các cô giáo ở đây, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 sẽ trở nên ý nghĩa và trọn vẹn hơn bao giờ hết khi các em học sinh đến trường đầy đủ và an toàn”.
Cô giáo Trần Lệ Quyên - hiệu trưởng trường THCS Bản Giang (huyện Tam Đường - tỉnh Lai Châu) |
Ngôi trường THCS Bản Giang có khoảng 290 em học sinh, chủ yếu là người dân tộc: Kinh, Dao, Giấy, H’Mông. 97% học sinh là người dân tộc thiểu số với phong tục tập quán lạc hậu, nạn tảo hôn đã dẫn đến tình trạng bỏ học, đi học không thường xuyên. Học sinh còn là lao động chính nên việc đến trường hầu như không được các gia đình xem trọng.
Có những em bỏ học 10 ngày để lên nương thảo quả cách nhà cả chục cây số, có học sinh nghỉ học ở nhà chăn trâu, trông em cho bố mẹ đi làm. Vào mùa vụ, số học sinh nghỉ học càng nhiều hơn. Giáo viên vào nhà thông báo tình hình học tập của con, phụ huynh cũng chỉ biết nói tất cả đều nhờ vào cô giáo.
Điều kiện kinh tế khó khăn khiến con đường đến trường của các em học sinh gian nan, vất vả hơn. Học sinh thiếu từ cuốn vở, cái bút, đồ dùng học tập cho tới quần áo. Các em chỉ có một tấm áo mỏng đến trường khi nhiệt độ ngoài trời dưới 10 độ, chân không giầy, không tất, đỏ tấy lên vì rét, phải ngồi co ro trong lớp.
Nơi ở của học sinh cách trường 5 - 6km đường đất, lại không có phương tiện đi lại, chủ yếu là đi bộ. Những hôm trời mưa, quần áo các em lấm lem bùn đất hết cả. Chị Quyên tâm sự: “Trường có tổ chức vận động quyên góp nhưng cũng không giúp đỡ được nhiều cho các em”.
Sau đợt nghỉ tết vừa qua, nhà trường đã tổ chức hội vui xuân trong ngày đầu tiên tái giảng và trong buổi chào cờ đầu tuần với các trò chơi dân gian sôi động, bổ ích. Đây là những hoạt động diễn ra thường xuyên, được lồng ghép vào các tiết học ngoại khóa nhằm tạo hứng thú cho học sinh sau giờ học, mong các em sẽ thích tới trường hơn.
Các em học sinh chơi đùa vui vẻ sau giờ học |
Hiện nay, trường có 19 giáo viên tham gia giảng dạy tất cả các môn học. Hiệu trưởng Trần Lệ Quyên cho biết, trường vẫn còn thiếu phòng học nên số lượng học sinh mỗi lớp khá đông. Trang thiết bị dạy học còn thiếu nhiều. Tường bao, khuôn viên chưa được xây dựng hoàn chỉnh.
Chị Quyên nói: “Với điều kiện của nhà trường, việc học sinh đi học đầy đủ, đúng giờ là mơ ước lớn nhất của tất cả các thầy cô chứ chưa nói gì đến việc học sinh học giỏi, đạt thành tích này khác”.
Ngọc Anh