PTT Vũ Đức Đam: Đổi mới cần lưu ý cái cũ
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm: “Chúng ta nói đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nhưng thực ra đang đi lấy lại cái cũ từ thời chúng ta dành chính quyền. Tôi con nhớ hồi tôi đi học, có mấy điều mà theo tôi chúng ta phải xem xét, chấn chỉnh lại…
Phó thủ tướng ví dụ: "Ngày xưa chào cờ chúng ta phải hát quốc ca ở tất cả trong các trường học. Chúng ta còn dạy cho trẻ yêu tổ quốc, yêu đồng bào. Trước đây, có sự kiện gì, đến người lớn cũng hát quốc ca, bây giờ hiện đại có nhạc vào. Tôi có hỏi một số trường thì vẫn thực hiện, nhưng rất nhiều trường thực hiện không nghiêm túc…
Hay như ngày trước còn tập thể dục giữa giờ, giáo dục thể chất. Tôi còn nhớ thời đó, tập xong thể dục còn hô hào rất khí thế, điều này không chỉ có ý nghĩa mà còn thấm vào từng người từ thủa bé. Chẳng hạn chúng ta hô là “Rèn luyện thân thể - Bảo vệ tổ quốc. Rèn luyện thân thể - Thống nhất đất nước. Giải tán – Khỏe…"
PTT Vũ Đức Đam, đổi mới thi cử làm sao để tránh học sinh học lệch |
Theo Phó thủ tướng, ai cũng thấy việc học, việc rèn luyện thân thể để bảo vệ tổ quốc, để thống nhất đất nước. Bây giờ chúng ta có cần bảo vệ tổ quốc không? – Tất nhiên là có. Đất nước thống nhất rồi, chúng ta có cần kiến thiết đất nước không? – Tất nhiên là có.
“Ngày xưa còn phân công nhau, mỗi một sáng học sinh phải đến trực nhật, lau dọn bàn ghế. Hàng tuần chúng ta vệ sinh chung là trồng cây, tham gia các hoạt động lao động. Bây giờ rất nhiều nơi, chúng ta thuê dịch vụ lao động… Điều này rất quan trọng như thế là không trực tiếp lao động, thì không yêu lao động, nếu không yêu lao động thì không yêu người lao động. Những việc này hiện nay chúng ta có làm được không?” – Phó thủ tướng chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề đổi mới giáo dục, thi cử, theo Phó thủ tướng: "Việc đổi mới giáo dục chúng ta đã nói nhiều rồi, phải theo hiện đại, kiến thức chuẩn, không nhồi nhét kiến thức… Chương trình, sách giáo khoa, phương thức giảng dạy, phương thức truyền thụ, thi cử.
Theo tôi có những thứ chúng ta không cần đợi Bộ, không cần nghiên cứu, hay đầu tư nhiều tiền để đổi mới sách giáo khoa, hiện đại hóa công sở… Chúng ta chỉ cần ý thức đúng việc dạy làm người trước, rồi mới dạy kiến thức, rồi mới hướng nghiệp. Tôi đề nghị chúng ta hãy phát huy trách nhiệm trong toàn ngành giáo dục để đổi mới…
Chúng ta phải xem lại hệ thống của giáo dục VN là như thế nào? Từ đó mới thiết kế ra được khung chuẩn, rồi căn cứ vào đó mới viết sách giáo khoa, rồi mới đào tạo giáo viên, đổi mới hiện đại, song hành với đó chúng ta mới đổi mới thi cử. Bộ chọn khâu đột phá là công tác thi cử, cũng có ý nghĩa đột phát, tạo sự xung đột mạnh để có sự lan tỏa sang đổi mới khâu khác.
Đây là bước đi của Bộ GD- ĐT tôi nghĩ là đúng! Nhưng tôi cho rằng chúng ta phải bàn rất kỹ, đang thi tốt nghiệp nặng thành nhẹ, đang thi 6 môn thành 4 môn, thì chúng ta cho rằng có lợi cho học sinh. Chúng ta đang gánh 60kg mà cho phép bỏ đi 20kg thì thấy lợi, nhưng chúng ta quên mất một điều rằng học sinh mà học lệch, sau này ra đời kiến thức bị lệch lạc, sẽ bất lợi…”
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ thêm: “Trước khi thay đổi phải thí điểm, nếu thí điểm thì ở một chỗ nhỏ thôi. Vì thế ta phải bàn kỹ, để sau khi đổi mới thi cử thì tương đối ổn định. Đừng để cảnh học sinh chỉ còn mấy tháng nữa thi tốt nghiệp mà đến nay chưa biết thi môn gì? Thi như thế nào?”