Phương án thi đại học 2015: Vì sao Bộ GDĐT chọn phương án 1?
Các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH, CĐ sẽ đăng ký thi thêm các môn theo yêu cầu xét tuyển của các trường ĐH, CĐ muốn theo học.
Đại diện Bộ GDĐT thông tin về phương án thi THPT quốc gia năm 2015 |
Theo thông tin từ Bộ GDĐT, sau khi Dự thảo phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia được công bố ngày 29/7/2014 ,Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi cho đến hết ngày 22/8/2014 của Giám đốc một số Sở GDĐT và Hiệu trưởng trường ĐH,CĐ, Các trường ĐH,CĐ; Cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh các trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên trong cả nước.
Qua đó, thấy rằng đa số ý kiến nhất trí nên tổ chức thi kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 và tổ chức vào đầu tháng 6 hằng năm.
Cùng đó, đa số ý kiến nhất trí phương án thi theo môn (phương án 1). Bởi phương án này đảm bảo tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn lớn đối với giáo viên, học sinh và các trường phổ thông; kết quả thi độ tin cậy để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu để các cơ sở giáo dục ĐH có thể tuyển chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp với các ngành đào tạo.
Phương án thi theo bài là mục tiêu cần hướng dẫn đến nhưng không nên áp dụng ngay trong năm 2015, vì chưa đảm bảo sự tương thích giữa dạy học và thi mà cần phải có lộ trình thực hiện, có thời gian chuẩn bị kỹ.
Trước đó, Bộ GDĐT triển khai lấy ý kiến đóng góp rộng rãi về 3 phương án sau:
Phương án 1: Thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Sẽ có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.
Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải dự thi 4 môn thi tối thiểu gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.
Kết quả của 4 môn thi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp ngành đào tạo.
Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn của kỳ thi THPT quốc gia, còn lại để dùng cho đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ.
Phương án 2: Thi theo bài, khi 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi. Gồm các bài thi Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Sử và Địa).
Với phương án này sẽ tổ chức 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi một bài thi. Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm 3 bài bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngừ; 1 bài thi tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.
Phương án 3: Sẽ thi theo bài. Nhưng trong kỳ thi, 11 môn học lớp 12 THPT được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi: gồm Toán-Tin (môn Toán và Tin học), Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ), Khoa học xã hội (gồm Văn, Sử, Địa, GDCD) và bài thi Ngoại ngữ. Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi. Thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên.