Phương án thi đại học 2015: Đề thi phải hội đủ 4 mức
Hai Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển và Bùi Văn Ga tại buổi họp báo (từ trái sang) |
Trả lời báo chí về công tác chuẩn bị ra đề cho kỳ thi THPT quốc gia ngày 9/9, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ GDĐT đặt ra nguyên tắc đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.
Đề thi sẽ khá giống đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, bởi đảm bảo được những nguyên tắc này.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho biết, sẽ tiếp tục làm đậm hơn yêu cầu này, tiếp tục đổi mới đề thi theo hướng ra đề mở và yêu cầu học sinh dùng kiến thức liên môn để làm bài, tiệm cận dần với chương trình SGK mới sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Đại diện Bộ GDĐT cũng cho biết đề thi năm nay sẽ đảm bảo ổn định để giúp học sinh không gặp nhiều khó khăn trong việc quá trình học tập, ôn luyện.
Cũng liên quan đến đề thi của kỳ thi THPT quốc gia, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển, sẽ không có chuyện ra đề thi riêng cho hai loại cụm thi (cụm thi do các Sở GDĐT chủ trì, cụm thi do trường ĐH chủ trì) và cũng không tách riêng phần cho thí sinh làm tốt nghiệp hay tuyển sinh ĐH,CĐ.
Nhưng để đáp ứng được cả yêu cầu cơ bản là học sinh có thể tốt nghiệp vừa có phần nâng cao, phân hóa để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh, theo ông Hiển, điểm chuẩn tốt nghiệp sẽ thấp, điểm để tuyển sinh chắc chắn sẽ phải cao hơn.
Ngoài ra, việc dạy và học sẽ yêu cầu hướng tới nâng cao chất lượng dần dần qua từng năm, đề của kỳ thi THPT quốc gia sẽ ngày càng tăng phần nâng cao, ứng dụng.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, những đề ra mở để học sinh vận dụng kiến thức của mình ngày càng nhiều trong đề thi, tùy theo chất lượng giáo dục nâng dần lên, câu hỏi khó, yêu cầu cao sẽ càng nhiều.