Phú Thọ: Thúc đẩy dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, thiếu định hướng thị trường... đang được nhìn nhận là những hạn chế, bất cập lớn của ngành nông nghiệp nước ta nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, thực hiện dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai là hướng đi tất yếu, mở đường cho phương thức sản xuất tập trung, hiện đại, hướng đến sự phát triển của nền nông nghiệp công nghệ cao.
Bài 1: Đòi hỏi của thực tiễn
Trước thực tế nền nông nghiệp hàng hóa ngày càng phát triển, yêu cầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thay thế mảnh ruộng nhỏ, hiệu quả canh tác thấp bằng cánh đồng mẫu lớn, trang trại có liên kết sản xuất trở thành bức thiết. Để thực hiện được điều đó, những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tích cực triển khai các giải pháp dồn đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn còn vấp phải nhiều khó khăn.
Yêu cầu đổi mới
Công cuộc đổi mới trong nông nghiệp, đặc biệt với việc ra đời Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 giao đất ổn định, lâu dài cho nông dân đã tạo nên động lực lớn cho người nông dân làm chủ đồng ruộng, yên tâm sản xuất. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, việc chia đất, khoán hộ theo Nghị định 64/CP đã để lại những bất cập như ruộng đất manh mún, có nơi lên tới 60 thửa/hộ, vị trí rải rác trên nhiều cánh đồng. Điều đó dẫn đến việc khó áp dụng khoa học kỹ thuật, khó cải tạo đồng ruộng, xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, nâng cao năng suất, gây khó khăn cho chính người nông dân.
Trước yêu cầu bức thiết của nền nông nghiệp hàng hóa, năm 2004, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về dồn đổi ruộng đất và năm 2008 có Thông báo số 309-TB/TU về tiếp tục thực hiện dồn đổi ruộng đất trên địa bàn tỉnh. Nhờ dồn đổi ruộng đất, các địa phương hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển cánh đồng lớn, bước đầu hình thành liên kết sản xuất với sự tham gia của các doanh nghiệp, mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, công tác dồn đổi vẫn còn hạn chế như số thửa/hộ giảm thấp, số thửa bình quân vẫn còn 7,8 thửa/hộ, diện tích bình quân chỉ đạt 257m2. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của dồn điền đổi thửa và công tác triển khai còn nhiều vướng mắc.
Để khắc phục những khó khăn này, Tỉnh ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 15/4/2016 về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 (Nghị quyết 08). Theo đó, các địa phương tiếp tục thực hiện dồn đổi ruộng đất có trọng tâm, trọng điểm, tập trung đất sản xuất nông nghiệp ở những xã, vùng có điều kiện dồn đổi và các xã phấn đấu đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020.
Thực hiện Nghị quyết 08, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đã vào cuộc chỉ đạo đồng bộ. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện đã có 94 xã, thị trấn của 12 huyện, thị triển khai công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai. Trong đó 5 huyện có văn bản chỉ đạo của Huyện ủy và 8 huyện, thành, thị ban hành kế hoạch thực hiện với 106 xã tham gia dồn đổi. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 08 ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều vướng mắc.
Ruộng đồng manh mún, bậc thang, úm bóng khiến người dân gặp khó khăn trong canh tác (Ảnh chụp tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh) |
Còn nhiều khó khăn
Điều kiện tự nhiên không thuận lợi, chủ yếu là đồng đất có địa hình phức tạp, ruộng bậc thang, úm bóng, lầy thụt là những nguyên nhân khiến chính quyền và nhân dân xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê chưa thống nhất được phương án để dồn đổi ruộng đất.
Ông Hoàng Du - Phó chủ tịch UBND xã chia sẻ: “Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết, chính quyền đã triển khai chương trình, kế hoạch thực hiện công tác dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai đến từng khu dân cư. Tuy nhiên, dù đã được vận động, tuyên truyền liên tục nhưng người dân trong xã vẫn phản đối với lý do số ruộng đất “đẹp” chỉ chiếm 1/5 diện tích cần thực hiện dồn đổi, còn lại là đất lầy thụt. Chênh lệch về hiệu quả sản xuất, tâm lý hơn thua khiến nhiều hộ dân không dễ đồng thuận trong quá trình dồn đổi, phân chia”.
Còn đối với xã Lương Nha, huyện Thanh Sơn, dù người dân đã đồng tình ủng hộ, các phương án quy hoạch lại đồng ruộng đã được thống nhất, nhưng công tác dồn đổi vẫn chưa thể hoàn thành. “Hiểu những lợi ích sau khi dồn điền đổi thửa nên bà con trong xã rất ủng hộ. Là một huyện miền núi còn khó khăn, Lương Nha vẫn chưa bố trí được kinh phí để xây dựng hệ thống đường nội đồng, trong khi phía tỉnh và trung ương cũng chưa có chính sách hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hệ thống công trình giao thông, thủy lợi nội đồng. Vậy nên các phương án dồn đổi ruộng đất của xã vẫn chỉ nằm trên giấy tờ” - ông Đinh Công Hường - Chủ tịch UBND xã Lương Nha cho biết.
Trên địa bàn tỉnh, vẫn còn nhiều xã gặp khó khăn, vướng mắc do mô hình dồn đổi nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả cao, chưa đáp ứng được các tiêu chí theo Nghị quyết 08. Đến nay mới chỉ có 7 xã hoàn thành công tác dồn đổi ruộng đất. Trong số 7 xã này, chỉ có 4 xã cơ bản đạt tiêu chí về vùng dồn đổi và diện tích dồn đổi. Bên cạnh đó, do tâm lý “ngại thay đổi, ngại va chạm”, vẫn còn địa phương chưa thực sự quyết liệt triển khai Nghị quyết 08. Điều này dẫn đến thực tế thửa ruộng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao; việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.
Ông Vũ Văn Nhất - Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phân tích: Địa hình không đồng đều với nhiều ruộng đồng manh mún là trở ngại lớn đối với Phú Thọ trong việc thực hiện dồn đổi, tích tụ, tập trung đất đai. Tuy nhiên vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế rằng công tác xây dựng và triển khai kế hoạch dồn đổi ở một số địa phương còn chưa quyết liệt, sâu sát; việc tuyên truyền, vận động cho cán bộ, nhân dân hiểu về lợi ích của dồn đổi còn hạn chế dẫn đến người dân có tâm lý giữ ruộng “phòng cơ”, không đồng thuận thực hiện dồn đổi”.
“Dồn đổi, tích tụ, tập trung, đất đai là chủ trương lớn, có tác động lớn đến lợi ích của cả cán bộ và bà con nhân dân, vì vậy đòi hỏi sự đầu tư, công sức, tâm huyết của cả hệ thống chính trị” - Ông Vũ Văn Nhất nhấn mạnh.