Phú Thọ: 5.800 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất
Cơ sở hạ tầng của Phú Thọ đã được thay đổi theo hướng tích cực để hỗ trợ sản xuất. |
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Thọ đã huy động hơn 5.800 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước được đầu tư đồng bộ, phát huy hiệu quả cao trong sản xuất, dân sinh. Thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, lòng tin của người dân vào Đảng, chính quyền được nâng lên.
Kết quả nổi bật tỉnh Phú Thọ đạt được sau 5 năm xây dựng nông thôn mới là nhận thức của đa số người dân đã thay đổi. Nhân dân thực sự phát huy quyền làm chủ theo hướng: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ. Qua đó, nhiều cách làm sáng tạo được phát huy, góp phần huy động nguồn lực đóng góp xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các tiêu chí nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh đều được nâng cao về số lượng và chất lượng. Người dân tự nguyện hiến đất làm đường giao thông, đóng góp của cải, công sức, cùng với Nhà nước và chính quyền địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 755 tỷ đồng.
Nhằm thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, tỉnh Phú Thọ ban hành cơ chế, chính sách liên quan như: Chính sách hỗ trợ về các chương trình sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2012-2015; chương trình tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đề án hỗ trợ người nghèo về nhà ở; đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chương trình huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội then chốt giai đoạn 2011 - 2015...
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba phấn khởi cho biết, người dân địa phương vui mừng vì việc xây dựng nông thôn mới mang lại lợi ích thiết thực. Suy nghĩ của người dân cũng đổi mới, thực sự thấy được vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới.
Trong 247 xã triển khai xây dựng nông thôn mới có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 53 xã đạt 15 -18 tiêu chí; 93 xã đạt 10 -14 tiêu chí; 84 xã từ 5 - 9 tiêu chí; không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Dự kiến hết năm 2015, huyện Lâm Thao sẽ đạt chuẩn, 19 xã đạt chuẩn và 51 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân tiêu chí toàn tỉnh ước đạt 11,69 tiêu chí/xã.
Theo bà Nguyễn Thị Phương Hạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba, 5 năm qua, nhờ triển khai tốt công tác tuyên truyền, nên nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân có chuyển biến đáng kể. Người dân chủ động trong xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể như: trao đổi, thống nhất phương án quy hoạch chi tiết nông thôn mới cấp xã; trực tiếp theo dõi, quản lý giám sát đầu tư các công trình trên địa bàn; chủ động chỉnh trang nhà, góp công, góp của để xây dựng các công trình… Diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn ngày càng nâng cao…
Sau 5 năm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Phú Thọ làm mới 57 km đường; nâng cấp cải tạo 1.906 km; 597/2.880 km kênh mương được cứng hóa; 106/247 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế; 13/13 huyện, thành, thị có đơn vị thu gom, vận chuyển xử lý rác thải; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 92%...
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh sẽ huy động khoảng 6.800 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôi mới giai đoạn 2015 - 2020. Cùng với đó, các đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ và người dân nông thôn. Thông qua Uỷ ban mặt trận Tổ quốc tỉnh và các đoàn thể thực hiện tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" gắn với xây dựng nông thôn mới, quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.