Phụ nữ giọng ồm nhu cầu sinh lý cao?
Tự ti vì lạc giọng
Chị L.H.T (25 tuổi, trú tại Hải Dương) luôn tự ti vì giọng nói như đàn ông. Người phụ nữ này cho biết sau khi dậy thì, giọng nói của chị thay đổi, chất giọng ồm ồm. Thậm chí, nhiều người lạ gọi điện thoại nghe giọng của chị còn gọi là “anh”.
Vì giọng nói của mình, chị T. rất ngại giao tiếp. Thậm chí, nhiều bạn bè ác ý còn trêu đùa đàn ông ai yêu chị sẽ bị lép vế bởi nhu cầu tình dục thấp hơn. Gần đây, chị T. tham gia một lớp học chỉnh giọng nói để tự tin hơn khi lấy chồng.
Không riêng gì T. , tại khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) các bác sĩ cũng tiếp nhận nhiều người đến khám để sửa giọng nói. Các bạn gái tự ti vì giọng nói của mình như đàn ông. Ngược lại, bạn nam mặc cảm vì giọng trong trẻo như con gái.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhung, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ở tuổi dậy thì, nồng độ testosterone ở nam tăng cao hơn nữ, làm cho dây thanh phát triển dài ra và dày hơn nên có giọng trầm xuống. Sự thay đổi giọng này kéo dài từ 3-6 tháng, sau đó ổn định.
Tuy nhiên, một số trường hợp lại bị lỗi giọng. Từ giọng trong trẻo của nữ, bạn gái lại có giọng trầm, khàn… như nam giới. Việc sửa lỗi giọng này cần thực hiện sớm tốt nhất trước tuổi 20.
Giọng nói có ảnh hưởng tới sinh lý?
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, phụ nữ giọng ồm ồm thường bị mang tiếng “nam tính”. Ông cũng gặp nhiều bệnh nhân trẻ tâm sự về vấn đề này khiến họ sợ không dám yêu.
Bác sĩ Thành giải thích giọng ồm phụ thuộc vào cấu trúc khuôn xương hàm của chị em. Nếu phụ nữ có khuôn xương hàm bạnh, vuông thường có giọng nói nam tính hơn. Cấu trúc này có thể do di truyền từ bố mẹ. Ở giai đoạn dậy thì, nồng độ testosterone tăng cao khiến cấu trúc khuôn xương hàm vuông hơn bình thường. Đây là lý do nam giới có mặt vuông hơn phụ nữ.
Do đó, gương mặt sẽ phần nào thể hiện được diễn tiến nội tiết của phụ nữ trong giai đoạn dậy thì. Vì vậy, phụ nữ mặt vuông sẽ có nồng độ testosterone cao hơn. Họ thường có tính chủ động khi tham gia các hoạt động tình dục.
Testosterone tồn tại cả ở nam và nữ. Đối với nam giới, nồng độ testosterone cao gấp 10 lần phụ nữ và đạt đỉnh cao ở độ tuổi tầm 30. Do đó, ham muốn tình dục của các chàng trai đến độ tuổi này mới thực sự tăng cao. Khác với nam giới, các chị em khi ở tuổi 20, hormone testosterone đạt mốc cao nhất.
Nếu nồng độ hormone này tăng cao, chị em phụ nữ sẽ có cảm giác “thèm” chuyện ấy hơn. Testosterone ở nữ đạt đỉnh trong thời kỳ rụng trứng. Đây cũng là thời điểm họ có nhu cầu quan hệ tình dục nhiều hơn, dễ thụ thai hơn.
Dựa trên cơ sở khoa học này, nhiều bệnh nhân nữ ở tuổi trung niên suy giảm ham muốn tình dục, các bác sĩ thường cho bổ sung thêm một lượng hormone này.
Tuy nhiên, bác sĩ Thành cho rằng chị em phụ nữ có giọng ồm ồm cũng không nên tự ti, mặc cảm. Bởi một số trường hợp tình trạng này là do di truyền, không liên quan tới nội tiết tố testosterone. Do đó, nam giới gặp phụ nữ có giọng ồm cũng không nên định kiến họ sẽ đòi hỏi "chuyện ấy" nhiều. Bởi hoạt động tình dục dựa trên nhiều yếu tố trong đó còn có tâm lý, hoạt động của não bộ, nhận thức. Các nhà khoa học nhận thấy thái độ, sự thể hiện cũng như ham muốn tình dục của phụ nữ chịu nhiều ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài hơn so với nam giới.
Phương Thuý