Phụ nữ Bình Thuận nỗ lực giảm thiểu rác thải đại dương
Qua 3 năm triển khai Dự án Kết nối các nguồn lực trong việc giảm thiểu rác thải đại dương trên địa bàn các huyện Phú Quý, Tuy Phong và thành phố Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận, Dự án đã đạt và hoàn thành đạt 3 mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng thực hiện tốt chống rác thải nhựa.
Nâng cao nhận thức cho người dân
Để nâng cao năng lực, nhận thức về quản lý tổng hợp rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa đại dương cho cán bộ, chính quyền, các tổ chức xã hội và cộng đồng, Dự án đã thành lập 3 nhóm truyền thông - đào tạo, tổ chức 18 lớp tập huấn TOT và hỗ trợ kỹ thuật; lắp đặt 103 bảng banner, cấp phát 100 bộ tài liệu và 3.400 tờ rơi/tờ, trang bị 1.254 thùng rác các loại, 1.500 gói men vi sinh và 750 chai giấm gỗ sinh học…; xây dựng Trang thông tin trên mạng xã hội Facebook, Zalo để cập nhật, đăng tải thông tin về hoạt động của dự án, 2 bài phát thanh, 1 clip/video và 1 phóng sự để tuyên truyền. Đến nay đã có 10.000 người được tiếp cận thông tin, và 1.000 phụ nữ đã được tham gia tập huấn nâng cao kiến thức và cách thức phân loại rác thải tại nguồn.
Cùng với đó, Dự án còn hỗ trợ triển khai thí điểm các mô hình về quản lý tổng hợp và giảm rác thải nhựa đại dương. Trong đó, huyện Tuy Phong và thành phố Phan Thiết có mô hình Tàu cá tại cảng Phan Thiết, cảng Liên Hương và tàu du lịch (từ đất liền bờ biển thị trấn Liên Hương ra đảo Hòn Cau); Mô hình Tuyến đường công dân toàn cầu ven biển Nguyễn Đình Chiểu (thành phố Phan Thiết) với chiều dài khoảng 6km, thu hút khoảng 200 cơ sở, hộ dân tham gia phân loại rác tại nguồn và phấn đấu không có rác thải nhựa đại dương; Mô hình Khu dân cư tham gia thu gom, phân loại rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, đã thu gom 353 tấn rác, môi trường được cải thiện rõ rệt; Mô hình tiếp cận xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp rác thải và không rác thải nhựa đại dương tại 6 xã, thị trấn, đã thường xuyên ra quân dọn vệ sinh 136 km đường giao thông và 25,9 km kè biển hàng tháng.
Huyện Phú Quý đã xây dựng mô hình Nhóm thu gom nhựa tái chế (ve chai) dựa trên phân loại rác thải tại nguồn để cải thiện sinh kế cho người dân, hỗ trợ vốn cho 23 phụ nữ vay 135 triệu đồng; Mô hình kinh tế tuần hoàn và phân loại rác thải tại Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền, đã thu hút sự tham gia tích cực của giáo viên và học sinh trong phân loại rác thải; Mô hình vận động khu dân cư thực hiện thu gom phân loại rác thải tại nguồn, làm phân compost ở thôn Mỹ Khê, xã Tam Thanh, vận động các hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, phát huy tác dụng của rác thải vào sản xuất cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Các hoạt động của Dự án đã góp phần thay đổi nhận thức và huy động sự tham gia của của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, cộng đồng và doanh nghiệp trong giảm thiểu rác thải, đặc biệt là rác thải đại dương vùng biển ven bờ. Người dân được trang bị các kiến thức, kỹ năng thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, dần thay đổi cách ứng xử và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy, tiến tới không sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt. Nhóm Phụ nữ thu gom ve chai được thụ hưởng nguồn vốn vay xoay vòng với lãi suất ưu đãi, có việc làm ổn định cải thiện được nguồn thu nhập của gia đình và có cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đời sống…
Đồng thuận bảo vệ môi trường
Từ năm 2021 đến nay, huyện Tuy Phong đã triển khai thí điểm 4 mô hình thực tiễn về quản lý tổng hợp và giảm rác thải nhựa đại dương. Đáng chú ý là mô hình lồng ghép, tuyên truyền cho các chủ tàu cá, tàu du lịch đưa khách ra Hòn Cau không xả rác trên biển, biết cách phân loại và bỏ vào từng thùng rác được bố trí tại cảng Liên Hương (mùa gió nam) và bến cá xã Bình Thạnh (mùa gió bấc) sau khi cập bến.
Ban Chỉ đạo Dự án cũng đang tập trung triển khai mô hình “Khu dân cư tại xã Bình Thạnh tham gia thu gom rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”. Qua mô hình này đã thành lập Tổ phụ nữ tham gia tình nguyện thu gom, phân loại rác thải và làm phân compost tại hộ gia đình. Đồng thời, tuyên truyền cho 600 hộ dân tại xã, cấp phát 300 thùng rác cho người dân, bố trí 3 thùng rác lớn tại các khu vực công cộng ở bờ biển…
Ngoài ra, trong năm qua, các xã, thị trấn đã ra quân tổng dọn vệ sinh, thu gom rác thải dọc các tuyến đường giao thông, ven các khu dân cư, dọc bờ biển, phát dọn cây cối… Mô hình đã thu hút hơn 3.400 người tham gia, thu gom xử lý hơn 99 tấn rác, trong đó thu gom hơn 17 tấn rác khu vực bãi biển, chăm sóc 540 hoa cảnh, gắn 61 biển cấm đổ rác…
Ông Lê Văn Hùng, Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện cho biết: “Từ khi triển khai các mô hình, tình hình rác thải nhựa đại dương trên địa bàn huyện có phần giảm thiểu đáng kể, mặc dù việc triển khai mô hình còn nhiều hạn chế do dịch Covid – 19. Thời gian tới, Ban Chỉ đạo dự án huyện sẽ chỉ đạo tập trung thực hiện các mô hình theo chiều sâu và tiếp tục nhân rộng ở các xã, thị trấn, các loại hình sản xuất khác nhằm nâng cao ý thức của người dân, chung tay bảo vệ môi trường”.
THu Hiền