Lan tỏa mô hình “Trường học xanh”
Ngày 30/12, UBND quận Cẩm Lệ phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu Xây dựng Năng lực Thích ứng (CAB) đã tổ chức hội thảo tổng kết mô hình “Trường học xanh nói không với rác nhựa” tại các trường tiểu học trên địa bàn.
Mô hình “Trường học xanh nói không với rác nhựa” được phát động và triển khai tại 3 trường tiểu học Tôn Đức Thắng, Trần Văn Dư và Trần Đại Nghĩa. Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Giảm ô nhiễm rác thải nhựa với các giải pháp địa phương (LSPP)” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Sau 8 tháng thực hiện mô hình, các bên liên quan đã tổ chức 3 sự kiện tuyên truyền, hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt nhằm góp phần thay đổi thói quen, hành vi của học sinh; phát động sáng kiến tại 11 trường tiểu học trên toàn quận đồng thời xây dựng bộ giải pháp giảm rác thải và giảm nhựa cho trường học từ kết quả kiểm toán, triển khai các hoạt động cụ thể trong mô hình giảm rác nhựa tại trường học; hỗ trợ trường Tiểu học Tôn Đức Thắng thành lập nhóm/CLB môi trường và hỗ trợ duy trì CLB môi trường tại trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa và Trần Văn Dư thực hiện các hoạt động trong mô hình giảm rác thải nhựa tại trường học.
Với việc triển khai đồng loạt các chương trình, kế hoạch đã thay đổi thói quen, hành vi, tăng tỷ lệ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, học sinh thuộc 3 trường tiểu học trên đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn qua những con số cụ thể như 53 - 100% học sinh mang theo bình nước cá nhân, 20-60% học sinh ăn sáng tại nhà, 20% học sinh mang hộp đựng nhiều lần đi mua đồ ăn…
Qua ghi nhận từ thực tế tại các trường học triển khai mô hình này, dễ thấy không gian trường học trong lành, khuôn viên nhà trường sạch, đẹp và thân thiện. Sân trường không khi nào có rác, không để rác thải trong thùng qua ngày, không có rác trong hộc bàn… Nhân viên thường xuyên thực hiện chăm sóc cây xanh, tưới nước và chăm sóc bồn hoa, cây cảnh, tạo môi trường cảnh quan tươi xanh, thân thiện.
Bà Đường Thị Lộc, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ cho biết: “3 trường tiểu học thí điểm lần này cần tiếp tục duy trì các hoạt động của mô hình "Trường học xanh nói không với rác nhựa" để tiến tới đạt mục tiêu giảm rác nói chung và giảm rác nhựa nói riêng. Các trường tiểu học còn lại, đang tự thực hiện mô hình cần có đánh giá đầu vào và đầu ra để thấy hiệu quả của hoạt động. Từ đó sẽ xây dựng bài học kinh nghiệm để chia sẻ về cách giảm rác trong trường học”.
Bà Lộc cũng đề nghị UBND quận và Phòng Tài nguyên Môi trường nên có những hỗ trợ về kỹ thuật cũng như khen thưởng để khuyến khích các trường có nhiều đóng góp hiệu quả vào kế hoạch giảm rác của quận Cẩm Lệ và thành phố Đà Nẵng.
Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng thành phố xanh – sạch – đẹp; tuy nhiên hiện nay, việc vứt rác, xả rác bừa bãi vẫn đang là một vấn nạn đáng lo ngại chưa thể giải quyết được, đặc biệt là ở trong các trường học.
Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà nẵng Nguyễn Đình Phúc, để có thể khắc phục được tình trạng này, nhà trường cần đưa ra những quy định để nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tuyên truyền mạnh mẽ những tác hại của việc xả rác bừa bãi để các em học sinh có thể ý thức được hành vi của mình. “Cần kết hợp việc nhắc nhở và xử phạt, kỷ luật nếu như học sinh không chịu chấp hành kỷ luật của nhà trường và tái phạm nhiều lần. Bởi nguyên nhân chính của hiện tượng này là do ý thức của mỗi người nên cần giải quyết bằng biện pháp nâng cao ý thức, nề nếp của các em học sinh”, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố nói.
Hằng Nga