Phụ huynh nói gì về chức danh “chủ tịch hội đồng tự quản” bậc tiểu học?
"Bộ máy" quản lý lớp học quá nhiều ban bệ... |
Với dự thảo điều lệ trường tiểu học mà Bộ GD-ĐT vừa công bố quy định lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản do tập thể học sinh bầu hoặc giáo viên chủ nhiệm chỉ định luân phiên đã nhận được không ít ý kiến phản hồi của phụ huynh học sinh.
Chị Hoàng Thị Thanh Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, trước giờ lớp trưởng hay ban cán sự lớp thường là camera của thầy cô chủ nhiệm. Việc trao "quyền hành" cho học sinh một mặt có thể phát huy tính tự lập, tích cực của học sinh; mặt khác có thể tạo cho học sinh không khí thoải mái, hòa đồng khi làm việc chung với các bạn thay vì thái độ sợ sệt khi có thắc mắc. Tuy nhiên, sự giám sát và hành động kịp thời của giáo viên là không thể thiếu.
Một phụ huynh khác cũng cho biết, có con đang học ở lớp có lớp trưởng gọi là chủ tịch và lớp trưởng được luân phiên trong năm học. Vị phụ huynh này cho rằng đây là mô hình mới và rất hay. Thực chất cũng chỉ là thay đổi một chút về tên gọi chứ cơ bản cũng giống mô hình cũ. Vì thế, “không nên quá đặt nặng vấn đề vào tên gọi chủ tịch hay phó chủ tịch mà nghĩ rằng con trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu”- vị phụ huynh này nhấn mạnh.
Tuy nhiên, khi được hỏi quan điểm về vấn đề này như thế nào, hầu hết các bậc phụ huynh đều cho rằng, việc cần bàn là cách thức luân phiên như thế nào để vừa đảm bảo tính công bằng, lại tránh tình trạng xáo trộn? Thời gian luân phiên các chức danh này trong bao lâu các thầy cô cũng nên tính đến. Nếu quá ngắn sẽ mất đi tính ổn định cần thiết nhưng nếu để quá dài các em sẽ dễ bị mắc bệnh “ưa quyền lực”.
Riêng với cách thức bầu, chị Nguyễn Mai Hương (Hai Bà Trưng) cho rằng, với chức danh chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản, giáo viên nên để học sinh tự bầu, giáo viên không nên can thiệp quá sâu. Bởi hiện nay, việc cử vị trí lớp trưởng, lớp phó vẫn chủ yếu do sự chỉ định của giáo viên chủ nhiệm.
Xin trả sự hồn nhiên cho con trẻ
Không đồng tình với quan điểm trên, chị Nguyễn Minh Thái (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, dự thảo mới của Bộ thay từ lớp trưởng bằng chủ tịch hội đồng tự quản theo bản chất không khác nhau. Thậm chí theo chị, với tên gọi “chủ tịch” sẽ khiến cho trẻ suy nghĩ còn non nớt nghĩ rằng vị trí này rất “oai”, “to” vô cùng.
Việc này chẳng khác nào, Bộ GD & ĐT đang dạy học trò thói háo danh, hãnh tiến... Ngay từ khi trẻ còn quá nhỏ đã nhồi vào đầu trẻ tư duy quyền lực, chức quyền, danh vọng e rằng sẽ “hỏng người”.
Lấy ví dụ con gái đầu của mình, chị Thái kể hồi học tiểu học cũng được phân công làm sao đỏ. Mỗi lần đến phiên con trực cổng trường bắt bạn đi muộn, chị nhìn thấy khuôn mặt con thật phấn khích, kiên quyết bắt bằng được những bạn đi học muộn khai họ tên học lớp nào… khiến chị “sợ hãi”.
“Tôi phải tâm tình mãi với con chuyện này để con hiểu đừng như thế, tưởng con sẽ hiểu. Ấy vậy mà mỗi lần lớp tổ chức bầu lớp trưởng, lớp phó con nói chuyện rất mê say. Thậm chí, có lần đi học về con khóc nấc, bỏ vào phòng không chịu ăn. Tôi hoảng hồn gặng hỏi mãi mới biết, con không được bầu vào vị trí tổ trưởng” – chị Thái nhớ lại.
Giờ con đã trở thành cô giáo dạy trung học bình thường, lấy chồng sinh con sống một cuộc sống bình lặng nhưng mình biết nó yêu trẻ biết nó nhân hậu.
“Lấy sự riêng tư này ra đây không phải để khoe mà muốn nói là một dẫn chứng thực tế để thấy với trẻ hãy dạy chúng những điều nhỏ nhặt nhưng có ý nghĩa chứ đừng đao to búa lớn, đừng xô đẩy trẻ vào guồng của cái gọi là tập thể và quyền lực mà vấn đề giáo dục nhân cách bị xem nhẹ” – chị Thái nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm của chị Thái, anh Văn (Đống Đa, Hà Nội) cực lực phản đối dự thảo này. Anh cho rằng, các nhà làm giáo dục hãy trả lại sự hồn nhiên cho trẻ. Bởi trường học chứ không phải doanh nghiệp, công ty để mà “đẻ” ra chức danh Chủ tịch, phó chủ tịch. Ngay bản thân vị trí lớp trưởng trước đây cũng đã có nhiều điều đáng bàn rồi. Vì thế quan điểm của anh Văn là với bậc học tiểu học không nên có bất cứ chức danh nào nhằm tạo sự công bằng cho trẻ.