Phụ huynh lên MXH chì chiết, tấn công một đứa trẻ là việc làm không thể chấp nhận được!
“Việc một vị phụ huynh đi “bắt nạt” một em học sinh, dù với lý do gì thì câu chuyện cũng tệ hơn nhiều việc giữa các em học sinh xảy ra mâu thuẫn và xô xát”, ông Nguyễn Ngọc Long nhận định.
Liên quan tới loạt ồn ào livestream của bà mẹ (Thuỷ Bi) có con học trường Quốc tế tố bị bạo lực nơi trường học, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long (Truyền thông Trăng Đen) về một số khía cạnh mà các phụ huynh đặc biệt quan tâm.
Vụ việc một phụ huynh có con học trường Quốc tế lên mạng xã hội (MXH) "tố" về cách giải quyết của trường này khi con bị bắt nạt gây xôn xao suốt mấy ngày qua. Những buổi livestream của người mẹ này đã gây nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận: ủng hộ và phản đối. Là một người làm truyền thông, ông cho rằng cách xử lý của phụ huynh này có đúng không?
Nếu các vị phụ huynh đã gõ cửa “cầu cứu” nhiều nơi mà không được giải quyết thì rõ ràng đưa lên MXH là một lựa chọn có thể hiểu và thông cảm.
Cho nên, phụ huynh lên MXH để “phản ánh” thì không sai nhưng nội dung phản ánh thế nào, có đúng sự thật hay không, có phù hợp văn hóa đạo đức hay không thì lại là vấn đề cần nói tới.
Nếu không cẩn trọng thì bất cứ một sự việc nào khi đưa lên MXH cũng có thể từ đúng trở thành sai, bởi vì nó rất dễ bị dẫn dắt bởi cảm xúc đám đông.
(Ảnh cắt từ clip do chị Thuỷ livestream tại trường nơi con chị học) |
Không chỉ lên án gay gắt trường học, cán bộ công an địa phương, người phụ huynh này cũng chỉ trích những gia đình và những đứa trẻ được cho là đánh con mình. Liệu đây có phải là hiện tượng bắt nạt trên MXH hay không khi người phụ nữ này đã dùng sức ép của đám đông để tấn công những người, trong đó có cả trẻ em có xung đột với mẹ con chị?
Tôi thấy đám đông rất dễ dàng bênh vực chị Thủy. Tôi hiểu tại sao họ làm như vậy, tôi hiểu nhưng không đồng tình, bởi vì tôi sẽ chọn việc lên án hành vi bạo lực chứ không chọn việc dùng bạo lực để xử lý bạo lực.
Trong câu chuyện này, chị Thủy đã chọn cách dùng một cái sai để “chiến đấu” với một cái sai. Mà cái sai của chị Thủy thì lớn hơn cái sai của các em học sinh, nếu có.
Lý do là vì việc một vị phụ huynh đi “bắt nạt” một em học sinh, dù với lý do gì, thì câu chuyện cũng tệ hơn nhiều việc giữa các em học sinh xảy ra mâu thuẫn và xô xát.
Thực ra, tôi không thể đồng tình dưới mọi góc nhìn chứ không phải chỉ ở góc độ truyền thông. Kể cả khi chị Thủy đang nhân danh “gà mẹ bảo vệ con” thì tôi cũng cho rằng việc đó là không nên. Tôi nghĩ bé học sinh con của chị Thủy sẽ chịu tổn thương rất lớn vì hành động quá đà của mẹ.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long |
Trong một số buổi livestream nữ phụ huynh này đã tiết lộ nhiều thông tin cá nhân của các bé được cho là đánh con mình. Có người cho rằng đó là những hành vi vi phạm pháp luật. Ông nhận định sao về việc này?
Thật khó để trả lời câu hỏi này! Ban đầu tôi nghĩ đây là cuộc khẩu chiến của các vị phụ huynh nên không để tâm nhiều. Nhưng về sau biết rằng chị Thủy có mang các em học sinh ra chì chiết thì thực sự là… miễn bình luận! Đó là việc làm không thể chấp nhận vì bất cứ lý do gì.
Theo ông, trong trường hợp này nên ứng xử như thế nào cho phù hợp? Các phụ huynh cần làm gì để tránh rơi vào tình trạng "bắt nạt" trẻ em trên MXH?
Qua những lời lẽ trong livestream của chị Thủy, tôi đoán chị ấy là người sống rất trọng đạo lý. Thường ai trọng đạo lý đều biết câu: con người có xấu có tốt, còn hành động có đúng có sai. Khái niệm đó không đảo ngược được. Tức là đúng sai không thể gắn với con người, mà chỉ gắn với hành vi.
Như vậy, chị Thủy nếu bức xúc với hành vi của các em học sinh đã bắt nạt con chị, thì chị hãy lên án hành vi ấy, đừng quy kết con người của các em là xấu hay là tốt vì một hành vi không đại diện cho một con người được.
Điều đó cũng tương tự như, nếu hành vi mạt sát các em học sinh của chị Thủy là sai, thì dư luận cũng vẫn đang cho rằng chị là người mẹ tốt đấy thôi.
Con người chúng ta, về căn bản là tốt đẹp, nhất là với các em học sinh còn đang ở tuổi vị thành niên. Nếu có hành vi sai, người lớn cần bao dung và phân tích đúng sai của hành vi chứ đừng tấn công vào con người của các em. Như vậy chính là cách để không vô tình rơi vào trường hợp chính mình trở thành người đi bắt nạt các em mà bản thân không biết.
Xin cảm ơn ông!
N. Huyền (thực hiện)