Phụ huynh có con từng học Trường Thực nghiệm: "Tôi cảm thấy biết ơn!"
Học sinh trường thực nghiệm tránh khỏi những áp lực nặng nề về học hành, thi cử, tâm lý mà một đứa trẻ ở lứa tuổi đó không đáng phải nhận |
Trong thời gian qua, đã có nhiều ý kiến tranh luận về cách đánh vần, học theo hình trong sách giáo khoa Công nghệ giáo dục, đây là công trình nghiên cứu của GS. Hồ Ngọc Đại, người sáng lập ra trường Thực nghiệm.
Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội cũng như các nhà nghiên cứu. Nhưng những cựu học sinh cũng như phụ huynh luôn luôn bảo vệ cách dạy học của Trường Thực nghiệm. Nhiều người cũng bày tỏ rằng "Trường Thực nghiệm đã có những lứa học sinh mang màu sắc, cá tính riêng."
Chính GS. Hồ Ngọc Đại cũng đã chia sẻ đại ý rằng ông rất tôn trọng trẻ em, muốn học trò trở thành chính mình chứ không phải trở thành ai khác, biết mình muốn gì, biết mình thích gì, chứ không bận tâm đến áp lực của bố mẹ hay sức ép của người đời.
Mỗi khi gặp các phụ huynh có con học ở Trường Thực nghiệm ngày xưa, Giáo sư Hồ Ngọc Đại rất vui khi họ nói: "Con tôi lúc đi học thì thấy lo. Nhưng càng lớn càng ổn".
Là một phụ huynh có con từng theo học tại Trường Thực Nghiệm của GS. Hồ Ngọc Đại, chị Nguyễn Lan Anh – Hà Nội chia sẻ chị có 2 con đã học ở Tiểu học Thực nghiệm, số 50 phố Liễu Giai, Hà Nội.
Theo chị đây là một ngôi trường tuyệt vời, slogan của nhà trường là “mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”.
“Quả thật con tôi đã rất vui, tổng cộng gia đình tôi có 13 năm liên tục có con học ở thực nghiệm (con lớn 8 năm mầm non và tiểu học, ngay sau đó con bé vào tiểu học). Tôi luôn nhớ các cô Vũ Diệu Lý, Hải Chung, Việt Hồng, cô Lan Anh, Cẩm Tú và nhiều thầy cô khác. Các con tôi cũng rất nhớ các cô, dù cháu lớn năm nay đã vào đại học…” – chị Lan Anh chia sẻ.
Theo chị Lan Anh mô hình Thực nghiệm có một điểm khác là sách Tiếng Việt khác hẳn các trường bình thường, các đoạn văn trúc trắc chứ k dễ đọc, dễ nhớ, nhưng ở đó tính nguyên tắc rất rõ và trẻ con không bị sai chính tả. Các cháu cũng không cần rèn chữ đẹp nhiều và bài vở về nhà rất nhẹ nhàng. Tuy nhiên, sau khi học ở Thực nghiệm, các con tôi đều bước vào cấp 2 ở các trường có nhiều học sinh giỏi, cháu học được như các bạn và khi học THPT, con lớn của tôi cũng viết được những bài văn hay được chọn đăng ở website nhà trường, chứng tỏ việc dạy văn ở các bậc học trước đó không có vấn đề gì.
Theo phụ huynh này, tranh cãi cũng là tốt, nhưng tranh cãi phải văn hoá và tôn trọng các ý kiến khác dù trái chiều. Đây cũng là văn hoá của mô hình Thực nghiệm.
Điều mà chị Lan Anh nhớ nhất đó là khi con lớn của chị học lớp 4, các bạn trong lớp đã ký vào đơn yêu cầu đổi giáo viên chủ nhiệm, là phụ huynh kiêm là nhà báo, các phụ huynh cùng lớp đã yêu cầu chị Lan Anh đi cùng lên Ban giám hiệu để yêu cầu đổi giáo viên cho các con, trong khi con chị không ký đơn vì con chị nói không thấy giáo viên có gì bất thường.
Lúc đó, chị cũng có tâm lý e ngại con sẽ gặp khó khăn sau đó vì trường không đổi cô giáo, nhưng năm học đó với con gái chị vẫn rất tốt và cô giáo đó sau này tiếp tục chủ nhiệm lớp khi con thứ hai của gia đình học lớp 5. Và chị luôn nhớ ngôi trường số 50 Liễu Giai này.
Cùng chia sẻ, anh Lê Anh Tuấn – một bác sĩ ở Hà Nội kể con gái lớn của anh cũng học trường thực nghiệm. Trước đó, con gái anh học một trường công lập ở Hà Nội. Trường cũng khá nổi tiếng nhưng hết lớp 1 cháu vẫn đứng cuối lớp.
Theo như anh Tuấn, lúc học lớp 1 con anh có vấn đề về cận thị. Cháu ngồi bàn cuối không nhìn rõ nên mẹ cháu đã “chăm sóc” cô giáo để cô đổi chỗ cho bé lên trên nhưng rồi phụ huynh nào cũng tìm cách như thế để đổi chỗ cho con. Đến hết lớp 1, anh mới biết cháu học đứng cuối lớp.
Sang lớp 2, vợ anh anh cho con vào học tại trường tiểu học Thực nghiệm và điều làm anh bất ngờ đó là cháu đi học rất vui. Anh cũng liên lạc với cô giáo thì cô nói cháu học tốt và điều mà ông bố, bà mẹ nào cũng thích đó là mỗi ngày đến trường của con náo nức ngày vui.
“Tôi vẫn rất biết ơn trường Thực nghiệm, nơi đã cho con gái tôi một môi trường tốt để học tập, vui chơi mà điều quan trọng nhất ở đó cháu đã tránh khỏi những áp lực nặng nề về học hành, thi cử, tâm lý mà một đứa trẻ ở lứa tuổi đó không đáng phải nhận”- anh Tuấn chia sẻ.