Phong tục ngày Tết Nguyên đán dưới ngòi bút của Phan Kế Bính
Tết Nguyên đán là dịp để anh em, con cháu gặp nhau. |
Theo Học giả Phan Kế Bính, người Việt có cả thảy 10 cái Tết trong một năm gồm: Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực (mồng ba tháng ba), Tết Thanh minh, Tết Đoan ngọ, Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy), Tết Trung thu, Tết Trùng cửu (mồng chín tháng chín), Tết Trùng thập (mồng mười tháng Mười), Tết Táo quân, và Tết Trừ tịch (ba mươi tháng Chạp). Một số ngày Tết gần như đã không còn được giữ cho đến ngày nay, nhưng Tết Nguyên đán vẫn luôn là cái Tết được chờ đợi nhất trong năm. Phan Kế Bính đã miêu tả, giải thích về những tập tục ngày Tết Nguyên đán như sau:
Mồng một đầu năm là Tết Nguyên đán. Tết này ăn to hơn cả các Tết trong một năm.
Trước nửa tháng Tết, nhà nào nhà ấy đã rộn rịp sắm Tết, nào người mua tranh, mua pháo, nào người mua vàng hương mã mùng, đường mứt bánh trái,...
Các thầy đồ nhà quê ra chợ viết câu đối bán. Các người đi buôn bán hoặc đi làm ăn xa xôi, đâu cũng nghỉ việc để về nhà ăn Tết.
Cách Tết một vài hôm, ai nấy dọn dẹp nhà cửa, lau rửa đồ thờ phượng. Câu đối đỏ dán cửa, dán cột sáng choang, treo tranh treo liễn trang hoàng lịch sự.
Nhiều nhà trước cửa có dán tranh quan tướng, hoặc dán bốn chữ "Thần trà Uất Luỹ", cai quản đàn ma quỷ. Hễ quỷ nào làm hại nhân gian thì thần ấy giết mà ăn thịt. Ta dùng bốn chữ ấy, có ý để cho quỷ sợ mà không dám vào cửa.
Lại có nhiều nơi đặt tre dựng cây nêu, kết ba cái lạt ra, buộc một bó vàng. Hoặc lấy cành đa lá dứa cài ngoài cửa ngõ. Hoặc là rắc vôi bột trong sân ngoài ngõ, vẽ bàn cờ, cái cung, cái nỏ,...
Nửa đêm hôm ba mươi rạng ngày mồng một, ở thành phố nhà nào cũng bày hương án ra giữa sân để cúng giao thừa. Ở thôn quê thì các xóm tế giao thừa tại nơi điếm sở, trống đánh, pháo đốt ầm ầm. Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông hành khiển, coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn đưa ông cũ mà đón ông mới.
Sáng mồng một Tết thì làm cỗ cúng gia tiên, và cúng cả thổ công, táo quân, nghệ sư,... cỗ bàn to nhỏ thế nào cũng được, nhưng làm sao phải có bánh chưng, cá kho, giò, chả, dưa hành, thịt bò, mới ra cỗ ngày Tết. Có nhà dựng hai cây mía cạnh bàn thờ để làm gậy cho ông vải.
Hôm ấy ăn nói phải giữ gìn, sợ nói bậy thì giông đi cả năm. Nhiều nhà nhờ một người phúc hậu dễ tính, sáng sớm đến xông đất, để cho cả năm được bán đắt, buôn may.
Quét tước trong nhà phải kiêng không dám hốt rác đổ đi, chỉ vun vào một xó, đợi ba hôm động thổ rồi mới đem đổ. Tục này do ở trong Sưu thần ký có có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo. Thuỷ thần cho một con hầu tên là Như Nguyện, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Đến sau, một hôm nhân ngày mồng một Tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đấy nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác.
Cúng gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu, mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi.
Anh em, họ hàng, người quen thuộc, đến lẫn nhà nhau lạy gia tiên, chúc mừng cho nhau những câu: thăng quan, tiến tước, sinh năm đẻ bảy, vạn sự như ý, buôn bán phát tài,...
Trong khi anh em đến chơi với nhau, uống chơi chén rượu sen, rượu cúc, hoặc chén nước chè tàu, chè sen, hút điếu thuốc lào, hoặc uống rượu sâm banh, rượu sạc tời, rượu mùi, nhằn vài ba hạt dưa, ăn vài miếng mứt.
Thành phố Hà Nội, chỗ ngồi chơi thế nào cũng được một vài củ thuỷ tiên, một vài chậu cúc hay là vài chậu cam quất.
Anh em bạn thăm nhau, mỗi người đưa một cánh danh thiếp đỏ, đề mất chữ tên. Trước kia đi lại lễ bái phiền lắm, nay nghe đã bỏ dần dần rồi.
Có nhà ăn Tết một hôm, có nhà ăn Tết ba hôm, có nhà ăn đến bảy hôm, nhưng phần nhiều là ăn Tết ba hôm.
Các nhà con thứ, cha mẹ còn thì đem biếu thức nọ thức kia. Cha mẹ mất rồi thì hôm mồng hai Tết, phải làm cỗ đem đến nhà con trưởng cúng cha mẹ. Người nghèo thì đem giàu cau vàng hương đến lễ cũng được.
Ngày mồng ba cũng như ngày mồng hai. Đến ngày mồng bốn thì hoá vàng. Ngày ấy xấu hay là chạm phải ngày tuổi chủ nhà thì hoá trước sau một ngày cũng được, có nhà để đến mồng bảy mới hoá vàng, gọi là ngày cúng tiễn ông vải. Hôm ấy con cháu họp đông đủ mà ăn uống vui vầy với nhau.
Trong mấy hôm Tết, ngày nào cũng đốt pháo. Điển đốt pháo do ở Kinh sở tuế thời ký có nói rằng: Sơn tiêu (ma núi) phạm vào người thì người sinh đau ốm, nó chỉ sợ tiếng pháo, hễ đốt pháo thì nó không dám đến. Nhưng tục ta thì cho tiếng pháo là tiếng vui mừng chứ không có ý để trừ quỷ.
Đến ngày mồng hai Tết giở đi, người thì chọn ngày xuất hành, người thì hái cành hoa về cài vào cửa, gọi là đi hái lộc, người làm quan thì chọn ngày khai ấn, học trò thì chọn ngày khai bút, nhà buôn bán thì chọn ngày mở cửa hàng, nhà quê thì chọn ngày làm lễ động thổ. Trăm công nghìn việc lại bắt đầu từ đó.
Suốt một tháng Giêng, già trẻ trai gái, kẻ chợ nhà quê, quần điều áo thắm, kẻ thì lễ bái chùa này miếu nọ, người thì du ngoạn cảnh nọ cảnh kia, chỗ thì hoa thuỷ tiên, chỗ thì hoa đăng, chỗ thì hội hè hát xướng. Các người nhàn, năm ba người tụ lại đánh bài đánh bạc. Ngoài ngã ba ngã bảy, đám thì quay đất, đám thì lúc lắc thò lò, tổng chi gọi là cách thưởng xuân.
Ở về tỉnh Sài Gòn, lâu nay nhiễm được tân hoá, mấy hôm Tết nhiều nhà xử thanh đạm như thường.
Ở Hà Nội, các người có tân học cũng đã chán cái cách ăn Tết của ta lắm, nhưng chưa mấy người khiết nhiên đi được.
Phan Kế Bính (1875 - 1921) hiệu là Bưu Văn, là nhà văn, dịch giả, nhà nghiên cứu nổi tiếng của Việt Nam đầu thế kỷ 20. Ông sinh ra tại làng Thuỵ Khê, huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phố Thuỵ Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) trong một gia đình khoa cử. Năm 1907, ông bắt đầu viết báo, dịch thuật, biên tập và phụ trách chuyên mục cho các tờ báo: Đăng cổ tùng báo, Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn...
Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Việt Nam phong tục, một công trình nghiên cứu công phu những phong tục tập quán từ bao đời nay của dân tộc.
Phan Kế Bính là một nhà nho uyên bác mang tư tưởng tân tiến, ông là một trong những nhà nho đầu tiên có công dùng chữ quốc ngữ để nghiên cứu, dịch thuật, giới thiệu nền văn hoá, văn học cổ cận đại Việt Nam và Trung Quốc cho thế hệ độc giả mới và có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển ngôn ngữ tiếng Việt.
Trong tác phẩm Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính không chỉ mô tả từng tập tục, mà còn lần về gốc tích, nguyên uỷ cái tục ấy, nhìn nhận, đánh giá để xem nó hay hay dở, từ đó "xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc tuý của ta thì cứ giữ lấy".
Đến nay, tập sách gần 100 tuổi này vẫn là một trong những công trình khảo cứu có giá trị bậc nhất về các phong tục tập quán trên đất nước ta và nhiều vấn đề được Phan Kế Bính nhắc đến vẫn nóng hổi tính thời đại.