Phòng kiến ba khoang tấn công trẻ như thế nào?
Tai nạn thương tích do kiến ba khoang cắn ở trẻ khá phổ biến, đây là nỗi lo của nhiều cha mẹ, đặc biệt là các cư dân sống tại các khu chung cư cao tầng.
Đưa con đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, chị Nguyễn Phước Quỳnh Tiên (ngụ tại Thủ Đức, TP.HCM) cho biết chị không rõ con bị kiến ba khoang đốt từ khi nào. Khi thấy trên cánh tay con, vùng mặt trong cánh tay, đùi xuất hiện nhiều dát đỏ, phỏng có dịch, con khóc vì đau, chị Tiên còn nghĩ rằng đó là viêm da do zona thần kinh.
Chị Tiên ra mua thuốc ở tiệm thuốc Tây bôi nhưng vùng da không khô mà ngày càng lan rộng, phỏng lan xa. Chị Tiên cho con đến bệnh viện khám bác sĩ cho biết con bị kiến ba khoang tấn công gây nhiễm trùng da, viêm da tiếp xúc.
Căn hộ nhà chị Tiên trên tầng 18 của 1 tòa chung cư, thi thoảng chị vẫn thấy xuất hiện kiến ba khoang nhưng chị đều dùng giấy bắt và bỏ đi.
Tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM các bác sĩ cũng thường xuyên gặp các trường hợp bị viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng da do kiến ba khoang tấn công.
Nhiều trẻ bị viêm da nặng vì cha mẹ tự mua thuốc bôi nhưng không khỏi. Đặc trưng của kiến ba khoang cắn - gây viêm da và dịch ở vùng da đó có thể gây viêm vùng da khác nếu có tiếp xúc.
Vì vậy, nhiều trẻ bị ở vùng tay, chân thường lan rộng. Thậm chí, có trẻ cha mẹ tự ý bôi các thuốc màu, đắp lá cây hoặc các biện pháp dân gian khác khiến vết thương bị loét, lan rộng hoặc nhiễm trùng.
Thời tiết nóng ẩm hiện tại là điều kiện thuận lợi để kiến ba khoang phát triển. Nếu không biết cách phòng tránh và xử trí phù hợp khi vô tình dính dịch tiết của kiến ba khoang thì thường dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.
BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết kiến ba khoang thường xuất hiện vào mùa hè. Nhiều trẻ cùng với ba mẹ đến khám vì viêm da do kiến ba khoang. Có nhiều phụ huynh than thở nhà cửa sạch sẽ, sống ở trên tầng 15, 17 nhưng kiến ba khoang vẫn chui vào nhà.
Khi bị kiến ba khoang tấn công, ban đầu trẻ có thể cảm thấy ngứa, bỏng rát, căng da. Sau đó da đỏ và sưng nề, có nhiều mụn nước to nhỏ không đều 1-5 mm, thành bóng nước hay bóng mủ vào vài ngày sau.
Vết thương xuất hiện thành đường, nếu bệnh nhân cào gãi hay chà xát sẽ làm tổn thương lan sang vị trí khác.
BS Thảo cho biết với trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang, do dịch tiết của côn trùng khi tiếp xúc với bề mặt da gây viêm, nếu không cẩn thận thì dịch tiết lan làm vùng da tổn thương rộng ra. Nhiều người chăm sóc da không đúng có thể gây nhiễm trùng da.
Theo bác sĩ Đinh Tấn Phương – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM các bác sĩ của khoa cấp cứu đã gặp trường hợp trẻ bị sốc phản vệ do kiến ba khoang tấn công.
Cũng giống như các loại côn trùng khác, kiến ba khoang vừa tấn công tại chỗ vùng da và có thể gây sốc phản vệ.
BS Phương cho biết khi tiếp xúc với nọc độc bên trong con kiến có thể gây sốc phản vệ khi đó trẻ mệt mỏi vã mồ hôi, nôn ói, ngưng tim ngưng thở.
Tùy từng mức độ sốc phản vệ có thể nguy hiểm tới tính mạng trẻ hay không. Ngoài sốc phản vệ, kiến ba khoang còn gây ra triệu chứng tại chỗ sưng phồng, nhiễm trùng, hoại tử.
Bản thân kiến ba khoang sống trong môi trường bẩn nên cũng dễ nhiễm các vi khuẩn yếm khí khiến trẻ rất hay bị nhiễm trùng do kiến ba khoang.
Khi đến mùa hè, mùa mưa có nhiều côn trùng, BS Thảo cho biết tốt nhất trẻ cần mặc quần áo dài tay. Nếu trẻ ra vườn, ra các khu vực có côn trùng như kiến ba khoang nên sử dụng ủng, găng tay.
Khi xuất hiện kiến ba khoang nên đuổi chúng đi chứ không nên đập chết vì dịch tiết trong cơ thể của kiến có thể tác động tới da, gây viêm da tiếp xúc.
Ngăn kiến ba khoang vào trong nhà: sử dụng lưới các cửa sổ và cửa ra vào, đóng cửa thường xuyên sau khi ra vào, nên ngủ trong màn, vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà.
Khánh Chi