Phòng chống tai nạn điện giật ở trẻ
Điện là một phần không thể thiếu của cuộc sống hiện đại, đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt, tuy nhiên, tai nạn điện giật dân dụng ở trẻ em rất phổ biến và tai nạn này có thể phòng ngừa được.
Bác sĩ chuyên khoa II Đinh Tấn Phương – trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết khi dòng điện vào cơ thể gây phỏng và dòng điện đi qua tim gây ngưng tim, trẻ có thể tử vong tại chỗ khi bị điện giật.
BS Phương gặp đa số các trường hợp bệnh nhi vào cấp cứu là bị điện giật tại nhà. Nguyên nhân điện giật tại nhà hay gặp ở trẻ nhất là trẻ ở mầm non, trẻ chưa nhận thức được nguy hiểm của điện giật.
Vì vậy, cha mẹ cần sử dụng điện làm sao để tránh xa tầm tay của trẻ. Dây điện cần để cao, gọn gàng. Bố mẹ không nên nghĩ ổ điện trên cao là đã an toàn vì trẻ có thể nghịch, đút các vật dụng kim loại vào ổ điện.
Ngay cả ổ điện chống giật nhưng cũng không an toàn tuyệt đối. Trẻ có thể nghịch chúng, lấy que chọc vào, que dẫn điện là trẻ bị điện giật. Nhiều trẻ rất hiếu động nên chúng vẫn tò mò và tìm tòi mọi cách cắm vào ổ điện.
Ngoài làm ổ điện xa tầm tay trẻ em, cha mẹ cần giám sát trẻ tuyệt đối. BS Phương đã gặp nhiều trường hợp bị điện giật như bố mẹ lại hay để các loại đèn điện đẹp làm cho trẻ tò mò và chúng bắt đầu tìm vào.
Có trường hợp trẻ 2 tuổi tò mò nghịch đèn điện ở bàn thờ thần tài. Trẻ cầm tay lên bóng đèn và nghịch khiến bé bị điện giật.
Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý không nên sử dụng các loại đèn kích thích trí tò mò, thích thú của trẻ. Cha mẹ cũng nên lưu ý sợi dây điện thường có tuổi thọ nên cha mẹ cần quan sát phần dây điện nếu có hiện tượng rạn nứt cần thay ngay.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Khoa - Khoa Phỏng-Tạo Hình , Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng cho biết khi trẻ bị điện giật tùy vào nhiều yếu tố như cường độ dòng điện, thời gian tiếp xúc với dòng điện, đường đi của dòng điện và tính chất một chiều hay xoay chiều của dòng điện mà nó sẽ để lại những tổn thương từ nhẹ đến nặng, thậm chí gây tử vong.
Khi dòng điện tiếp xúc với cơ thể, nó có thể đi qua toàn bộ cơ thể đồng thời gây ra tổn thương cho mô và các hệ cơ quan trong cơ thể, nhưng đặc biệt là: Tim: ngưng tim hay loạn nhịp tim. Hệ thần kinh trung ương: tổn thương có thể từ mất ý thức, yếu hoặc liệt người, rối loạn/mất chức năng thần kinh tự chủ.
Đặc biệt, có thể gặp chấn thương sọ não hoặc cột sống do té ngã sau tại nạn phỏng điện. Thận: tổn thương thận cấp do tình trạng hủy cơ. Tại da, tổn thương đa dạng từ đỏ da, tạo bóng nước đến các tình trạng phỏng sâu hủy hoại các cấu trúc phụ của da như tuyến mồ hôi, nang lông, nang tóc…
Điện giật cũng có thể hủy cơ, hoại tử xương, đồng thời phá hủy các cấu trúc lân cận của xương như mạch máu nuôi tại chỗ và thần kinh vận động/cảm giác tại chỗ.
Nếu phát hiện trẻ bị điện giật, BS Phương cho biết bạn cần sơ cứu cho trẻ theo các bước sau:
Thứ nhất, ngắt ngay nguồn điện. Trẻ lấy dụng cụ cắm vào ổ điện cần rút ngay phích cắm, ngắt cầu giao chính của nhà. Nếu không ngắt được nguồn điện bạn cần dùng cây không dẫn điện tách nguồn điện ra khỏi cơ thể trẻ.
Thứ hai, dòng điện đi qua cơ thể trẻ gây ngưng tim vì vậy bạn cần thực hiện sơ cứu ngưng tuần hoàn ngay lập tức bằng cách ép ngực và thổi ngạt cho trẻ.
Bạn nên hô to để có người xung quanh hỗ trợ. Không nên chậm trễ cấp cứu ngừng tuần hoàn vì ngừng tuần hoàn lâu để lại di chứng nặng nề cho trẻ.
Thứ ba, quan sát toàn thân trẻ đánh giá vùng da bị tổn thương do điện. Khi đó bạn nên che phủ vùng da tổn thương bằng gạc hoặc khăn sạch để hạn chế nhiễm trùng. Không nên đắp các loại thuốc nam, lá lên vết thương vì có thể gây nhiễm trùng.
Thứ tư, bạn nên lập tức đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ cấp cứu cho trẻ sớm nhất.
Khánh Chi