Phó thủ tướng Vũ Đức Đam ký giấy phép thành lập Đại học Fulbright Việt Nam
Báo Dân Việt cho hay, bà Đàm Bích Thủy, nguyên tổng giám đốc của Ngân hàng ANZ Việt Nam sẽ là hiệu trưởng của trường đại học Fulbright Việt Nam - đặt tại khu công nghệ cao TP.HCM.
Thành lập trường đại học Fulbright là một trong những nội dung trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama vào ngày 23-25.5 tới.
Dự án đại học Fulbright Việt Nam lần đầu tiên được đề cập trong Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama ngày 25.7.2013. Sau đó, điều này được khẳng định lại một lần nữa trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vào tháng 12.2013.
Đến ngày 3.6.2014, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký công văn 821 đồng ý chủ trương đầu tư Dự án thành lập trường đại học Fulbright Việt Nam theo loại hình trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận, do Quỹ tín thác Sáng kiến đại học Việt Nam (TUIV) đầu tư tại TP.HCM.
Đến tháng 10.7.2015, tại New York, bên lề chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, trường đại học Fulbright đã nhận được chứng nhận đầu tư của TP.HCM để được xây dựng trên 15 hecta đất tại khu công nghệ cao.
Dự án này có trị giá 70 triệu USD. Trong đó, mức đầu tư giai đoạn đầu (đến năm 2016) là 5,3 triệu USD, giai đoạn hai (2017 – 2020) là 20 triệu USD và giai đoạn ba (2020 – 2030) là 44,7 triệu USD.
Mong muốn xây dựng đại học Fulbright tại Việt Nam cũng được lãnh đạo hai nước nêu ra, đặc biệt trong cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng vào tháng 7.2015. Hợp tác giáo dục, khoa học được coi là một trong những trụ cột quan trọng của hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trường đại học Fulbright Việt Nam sẽ bắt đầu tuyển sinh sớm nhất vào cuối năm 2016. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu của đại học Fulbright sẽ tập trung vào các lĩnh vực chính sách công và quản lý, các ngành STEM (khoa học, kỹ thuật, cơ khí, toán) và y khoa, các ngành khoa học xã hội – nhân văn và các ngành khoa học liên ngành.
Ban đầu đại học FulbrightViệt Nam sẽ tập trung đào tạo bậc thạc sĩ các chuyên ngành chính sách công, quản lý và kỹ thuật. Sau đó mở rộng đào tạo bậc đại học và tiến sĩ. Các chương trình đào tạo khác của trường được phát triển với sự hợp tác một số đại học của Hoa Kỳ.
Trường đại học Fulbright Việt Nam sẽ tiếp nhận chương trình thạc sĩ chính sách công (MPP) cùng hoạt động nghiên cứu hiện nay của Trường Fulbright.
Với chương trình MPP học viên trúng tuyển được nhận học bổng gồm học phí toàn bộ hai năm học và trợ cấp sinh hoạt, đi lại trong năm học đầu tiên.Với chương trình MBA, học phí cao hơn. Một số chương trình khác, trường sẽ có có chính sách cấp học bổng cho người có khả năng nhưng ít có điều kiện về kinh tế.
Nguồn Dân việt