Phó GĐ Sở GD&ĐT TP.HCM: Chọn ngoại ngữ nào là do học sinh, phụ huynh!
Khung cảnh buổi tiếp xúc cử tri ngày 5/10 tại huyện Hóc Môn |
Trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra đề án giảng dạy tiếng Trung cho học sinh, tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 5/10 tại huyện Hóc Môn (TP.HCM) đã có ý kiến phản đối. Sau khi nghe chất vấn, ông Đinh La Thăng đã yêu cầu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM trả lời.
Theo nhiều ý kiến cử tri, tiếng Trung là chữ viết tượng hình nên rất khó học, trong khi đó vừa rồi ở Sóc Trăng có trường hợp học lớp 6 phải trả về lớp 1 vì không đọc viết được, thêm vào đó tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vừa rồi điểm tiếng Anh của đa số học sinh chỉ đạt mức trung bình nên nếu đưa tiếng Trung vào giảng dạy sẽ “rất khó xử cho các em”.
Trả lời thắc mắc của cử tri, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho rằng, Đề án nâng cao năng lực ngoại ngữ lúc đầu chỉ có tiếng Anh, nhưng sau có thêm các thứ tiếng Trung, Nga, Đức, Pháp, Hàn, Nhật.
“Đây không phải là vấn đề bây giờ mới làm, việc dạy ngoại ngữ trong nhà trường đã làm từ lâu. Ở TP.HCM hiện nay có 500.000 người gốc Hoa và dạy tiếng Trung từ cấp 1 đã làm từ ngày giải phóng đến giờ, và hiện vẫn dạy từ lớp 1 đến lớp 12, trường Lê Hồng Phong cũng có lớp chuyên tiếng Trung” – ông Đạt nói.
Cũng theo ông tại các trường phổ thông còn có nhiều thứ tiếng khác và những ngoại ngữ đều là tự nguyện để học sinh và phụ huynh đăng ký.
“Tiếng Trung là tiếng được nói nhiều nhất trên thế giới và hàng ngày chúng ta vẫn quan hệ kinh tế, văn hóa, ngoại giao, và rất nhiều khách du lịch, nên biết tiếng Hoa, biết văn hóa của người Hoa sẽ rất tốt trong vấn đề hội nhập, việc học một ngôn ngữ quốc tế phục vụ hội nhập hết sức là cần thiết” – ông Đạt cho hay.
Nghe ông Đạt nói vậy ông Thăng đã yêu cầu vị Phó giám đốc sở trả lời thêm cho rõ rằng việc học tiếng Trung có phải bắt buộc hay học sinh, phụ huynh có quyền lựa chọn ngoại ngữ khác.
Trả lời ông Thăng, ông Đạt nhấn mạnh rằng: “Hiện nay tiếng Trung và nhiều ngoại ngữ khác không có sự bắt buộc, học sinh được tự lựa chọn”.
Về việc cử tri phản ánh cách thức thi tốt nghiệp và đại học liên tục thay đổi, ông Đạt cam kết Sở sẽ chỉ đạo sát sao để học sinh ôn tập đúng. Về phía TP.HCM, ông Đạt cho biết tương lai sẽ tiếp tục kiến nghị để tổ chức thi riêng, bởi chỉ khi đó mới có thể đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới cách học của học sinh.
Trao đổi với PV Infonet về quan điểm “không cho con học tiếng Trung” của cử tri Nguyễn Văn Tín, một giáo viên về hưu cho rằng đó sự áp đặt vô lí.
“Anh không nên ép con anh học môn này hay không bỏ môn kia mà hãy để các cháu lựa chọn. Hơn nữa không có ai giữ tinh thần dân tộc bằng cách cấm con mình học tiếng của nước khác cả. Anh cấm đoán như thế chính là đã làm mất đi cơ hội việc làm, tìm hiểu văn hóa của con anh sau này”.