Phê duyệt đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.
Quan điểm chỉ đạo trong Đề án chỉ rõ: Tiếp tục xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, công dân học tập toàn cầu.
Duy trì và phát huy truyền thống hiếu học của gia đình, dòng họ và cộng đồng; xây dựng môi trường học tập suốt đời tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp.
Ảnh minh họa |
Mục tiêu của đề án là mọi người dân đều có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 100% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em mẫu giáo; 70% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh đạt chuẩn phồ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, Đề án phấn đấu 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin, kỹ năng sống; 60% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, 15% dân số có trình độ đại học trở lên.
Đề án phấn đấu đến năm 2030 có 90% các trường đại học triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số.
60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% các huyện được công nhận danh hiệu huyện học tập; 35% các tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập.
Nhiệm vụ và giải pháp Đề án đặt ra là tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Học tập suốt đời; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiêu số và miền núi.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời.
Đề án đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời. Cụ thể, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa; xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời trên các kênh truyền hình giáo dục…
Về tổ chức thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì, điều phối thực hiện Đề án, có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban Dân tộc và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ được giao chủ trì, phối hợp các nội dung công việc liên quan.
Quyết định cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội ở trung ương liên quan như: Hội Khuyến học, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Cựu giáo chức... cùng phối hợp thực hiện.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hằng năm và từng giai đoạn phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Cân đối, bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để đảm bảo cho việc triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Đề án.
Hoàng Thanh