Phát triển kinh tế biển miền Trung trong bối cảnh mới
Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế biển các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong thời gian qua; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế biển miền Trung trong thời gian tới.
Theo PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, miền Trung có rất nhiều tiềm năng, lợi thế về biển, phát triển kinh tế biển mà không một vùng nào có được. Vùng có 14 tỉnh, thành phố thì tất cả đều có biển, trong đó có nhiều bãi biển, vùng biển, đảo rất đẹp, nhiều tài nguyên vào loại nhất cả nước.
Những năm qua, các tỉnh, thành phố tại miền Trung đều đã có nhiều chủ trương, chính sách và dành một nguồn lực rất lớn để đầu tư phát triển kinh tế biển. Ngành kinh tế biển ngày càng có vị trí, vai trò quan trọng, đóng góp ngày càng lớn hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.
Chia sẻ hiện trạng tại địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng cho biết, tỉnh Quảng Bình đã đặt ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển dựa vào lợi thế về điều kiện tự nhiên hài hòa, giữa bảo tồn và phát triển từng vùng biển. Đến nay, tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng về phát triển du lịch biển, công nghiệp ven biển, phát triển mạnh nuôi trồng và khai thác hải sản theo hướng bền vững; phát triển kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới; đầu tư, khai thác hiệu quả các cảng biển, cảng chuyên dụng gắn với dịch vụ hỗ trợ…
Tuy nhiên, hoạt động phát triển kinh tế biển của Quảng Bình vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Điển hình như: Chất lượng xây dựng quy hoạch, kế hoạch chi tiết phát triển kinh tế biển và các vùng ven biển có mặt còn hạn chế; Nguồn vốn đầu tư thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các công trình kinh tế trọng điểm tại vùng biển và ven biển còn thiếu; Tỷ trọng đóng góp của kinh tế biển vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh hằàg năm còn thấp so với tiềm năng...
Nhìn rộng ra phạm vi cả nước, PGS.TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, mặc dù các tỉnh, thành phố tại khu vực miền Trung đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhưng các địa phương vẫn chưa khai thác hết tiềm năng về biển. Các ngành kinh tế biển chỉ mới dừng ở việc đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản, cảng biển, dịch vụ, du lịch… Vẫn còn nhiều “nút thắt” khiến việc phát triển kinh tế biển ở miền Trung chưa đạt kỳ vọng.
Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đã tập trung làm rõ hơn các nội dung gồm: Yêu cầu, nhiệm vụ, bối cảnh mới đặt ra trong việc thực hiện chiến lược biển nói chung, phát triển kinh tế biển nói riêng đối với đất nước và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong tình hình hiện nay; Tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế biển ở các tỉnh, thành phố miền Trung hiện nay; Những kết quả, thành tựu đạt được và hạn chế, yếu kém, điểm nghẽn trong thời gian tới; Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế biển miền Trung nhanh, bền vững trong thời gian tới…
Nhiều giải pháp đã được đề xuất để phát triển kinh tế biển Việt Nam nói chung, kinh tế biển miền Trung nói riêng trong thời gian tới. Trong đó, đáng chú ý là: Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Phát triển khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng; Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch quốc gia, ngành và vùng, phục vụ phát triển kinh tế biển; Tập trung nguồn lực nhiều hơn, lớn hơn cho phát triển kinh tế biển…
Nhiều ý kiến đồng thuận rằng phát triển kinh tế biển ở khu vực miền Trung giữ vai trò quyết định đối với việc thực hiện chiến lược biển của Việt Nam.
Anh Duy