Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển
Hội thảo nhằm huy động trí tuệ của các chuyên gia và các nhà khoa học, trao đổi, thảo luận, phản biện, tìm những giải pháp thực tế để khắc phục các điểm nghẽn trong việc thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển, đặc biệt là phát triển công nghiệp nuôi biển.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Chính phủ cụ thể bằng Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm thực hiện Chiến lược tại Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 5/3/2020. Chiến lược xác định Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển.
Nghị quyết 36 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 các ngành kinh tế thuần biển đóng góp 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước…Nhằm hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết, nhiều tỉnh thành ven biển đã đưa ra hàng loạt quyết sách, nhằm đưa nền kinh tế biển của tỉnh tiến tới phát triển bền vững.
Đánh giá bước đầu tình hình thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, TS. Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, nhìn chung các bộ ngành và địa phương đã nỗ lực tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả ghi nhận. Các chủ trương lớn của Nghị quyết được đẩy mạnh triển khai và bước đầu đạt kết quả tích cực, cụ thể trong phát triển các ngành kinh tế biển như du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng khai thác thủy hải sản, năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới góp phần phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên ở các vùng biển, đảo; bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển và đại dương.
Mặc dù đã đạt nhiều kết quả ghi nhận nhưng TS Tạ Đình Thi cũng chỉ ra rằng, công tác quản lý nhà nước biển hải đảo thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Chưa xây dựng được hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia về biển và hải đảo và bộ chỉ tiêu đánh giá quốc gia biển mạnh. Mặt khác Dự thảo Nghị định lấn biển và Dự thảo Nghị định thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển của tổ chức, cá nhân được giao để nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi khu vực biển vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng vẫn đang trong giai đoạn trình Chính phủ phê duyệt, ban hành;...
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận tập trung vào việc nhận thức cơ cấu, nội hàm, những tiềm năng và cơ hội phát triển của kinh tế biển nước ta, phân tích rõ những thách thức, khó khăn, vạch ra những điểm nghẽn, những nút thắt cần khẩn trương tháo gỡ và phương thức giải quyết các mâu thuẫn cản trở sự phát triển bền vững của kinh tế biển Việt Nam. Tiêu điểm của Hội thảo tập trung vào thực trạng, phương thức tiếp cận và một số mô hình mới của nuôi biển – một ngành công nghiệp mới, có nhiều tiềm năng trở thành lĩnh vực đột phá cho đất nước, và những vấn đề của các lĩnh vực kinh tế biển khác như năng lượng điện gió, đô thị biển.