Đẩy mạnh truyền thông bảo vệ tài nguyên và phát triển kinh tế biển
Bảo vệ tài nguyên và môi trường biển hướng tới sự phát triển bền vững là vấn đề đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Có thể nói đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao trách nhiệm của mọi tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và mỗi người dân về vị trí, vai trò của biển đảo, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng là hướng đi rất quan trọng để phát triển kinh tế biển.
Những năm qua, kinh tế biển của Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình phát triển ẩn chứa không ít nguy cơ và thách thức, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực biển ven bờ; ô nhiễm rác thải, nhất là rác thải nhựa đang trở thành vấn đề cấp bách.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức về vai trò, vị trí biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân chưa đầy đủ về vai trò của bảo vệ tài nguyên, môi trường biển đối với sự phát triển bền vững.
Vì vậy, thời gian tới, theo nhiều chuyên gia, chúng ta cần xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình truyền thông phù hợp với mọi cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng về các nội dung phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Nuôi trồng thủy hải sản trên biển |
Bảo vệ tài nguyên biển là để hướng đến một nền kinh tế biển xanh. Muốn thế, cần đánh giá đúng tiềm năng phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam. Để làm được điều này, công tác bảo tồn biển, giữ gìn đa đạng sinh học biển, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên biển trở nên cấp bách. Nhất là việc triển khai, định hướng công tác truyền thông phát triển bền vững kinh tế biển sẽ ngày càng trở nên quan trọng.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền về biển và hải đảo đã có những thay đổi tích cực, nhưng vẫn thiếu một số chương trình, chiến lược truyền thông về phát triển bền vững kinh tế biển ở cấp độ quốc gia, rộng khắp cả nước, tác động sâu rộng đến xã hội. Quy mô tuyên truyền về kinh tế biển hiện mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu là các chương trình của riêng doanh nghiệp, một ngành, một địa phương, một lĩnh vực, chưa có một chương trình tuyên truyền mang tầm quốc gia. Công tác tuyên truyền, quảng bá thiếu sự kết hợp, lồng ghép giữa các ngành, các địa phương.
Thời gian tới, để tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền cho sự phát triển kinh tế biển bền vững và góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, trong thời gian tới, nhiều địa phương cho biết sẽ xây dựng kế hoạch truyền thông về kinh tế biển một cách chủ động, đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức.
Đồng thời sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế biển; theo dõi, nắm chắc tình hình, nắm vững các thông tin, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chống phá các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vấn đề biển, đảo để đấu tranh, phản bác.
Hoàng Thanh