Phát hiện ký sinh trùng trong hóa thạch 512 triệu năm
Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications, các nhà khoa học đã phát hiện bằng chứng về mối quan hệ giữa ký sinh trùng và vật chủ khi nghiên cứu cụm hóa thạch 512 triệu năm tuổi được tìm thấy tại Vân Nam, Trung Quốc.
Những con giun và vật chủ vô tình của chúng. Ảnh:dailymail.co.uk |
Các nhà khoa học đã phát hiện một số sinh vật hình ống sống ký sinh bên ngoài vỏ của loài động vật tay cuộn. Vị trí của các sinh vật này khá gần với miệng của loài động vật tay cuộn, do đó họ cho rằng các sinh vật này thường "lấy trộm" thức ăn của động vật tay cuộn mỗi khi loài vật này "dùng bữa".
Các nhà khoa học cũng tìm thấy những bằng chứng cho thấy các động vật tay cuộn được ký sinh trùng chọn làm nơi trú ẩn có kích thước bé hơn nhiều so với những động vật cùng loài không bị ký sinh trùng đeo bám.
Hệ thống các vật chủ của ký sinh trùng rộng khắp trong thế giới tự nhiên, song lại rất khó xác định trong các nghiên cứu về hóa thạch. Giới khoa học tin rằng đây là bằng chứng lâu đời nhất từng được biết đến về mối quan hệ giữa ký sinh trùng và vật chủ được tìm thấy trong hóa thạch.
Phát hiện trên chỉ ra rằng hệ thống động vật chủ có ký sinh trùng đã xuất hiện từ đầu kỷ Cambri (kỷ đầu tiên thuộc giai đoạn đại Cổ sinh) và nhiều khả năng điều này đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy quá trình tiến hóa và biến đổi hệ sinh thái liên quan bức xạ trong thời kỳ kỷ Cambri.
Thanh Phương/Báo tin tức