Phập phồng lo tai nạn khi xe 2 bánh đi cạnh làn xe tải
Thực tế, việc dành làn xe tải quá gần làn đường cho mô tô, xe máy tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người điều khiển mô tô, xe máy.
Việc tổ chức giao thông cho làn xe tải phía ngoài cùng là thông lệ các nước đều thực hiện. Song dưới góc nhìn của VOVGT, với đặc thù nhiều mô tô, xe máy tham gia giao thông hỗn hợp, những tuyến đường nhiều xe tải, nhất là xe hạng nặng, cần có giải pháp phân luồng hợp lý.
Trong bối cảnh hầu hết các tuyến đường đều là giao thông hỗn hợp, rất ít tuyến đường phân tách ô tô và xe máy, việc dành làn xe tải quá gần làn đường cho mô tô, xe máy tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người điều khiển mô tô, xe máy.
Thực tế cũng đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông (TNGT) do xe máy đi vào điểm mù của xe tải.
Đường Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 5, phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội. |
Đường Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 5 (phường Phúc Đồng, quận Long Biên, Hà Nội) là tuyến đường kết nối giữa Hà Nội với Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh – những địa phương có nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển. Chính vì vậy, hoạt động vận tải bằng xe container, xe tải cỡ lớn 3 chân, 4 chân rất thường xuyên.
Theo quan sát của PV, tại nơi quay đầu xe, 4-5 chiếc xe máy phải chờ khá lâu mới dám lách qua dòng phương tiện nườm nượp để qua đường. Với mật độ container, xe tải cỡ lớn dày đặc, việc điều khiển mô tô, xe máy trên tuyến đường này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, chỉ một chút bất cẩn cũng có thể dẫn tới TNGT.
Nói về việc tham gia giao thông hỗn hợp giữa xe máy và xe tải, một số người dân sinh sống ở đây cho biết: "Xe lẫn lộn đấy, xe tải, xe con đi cùng đường, không phân luồng được, xe máy đi bạt mạng, cả ngược chiều cũng đi, Xe máy lẫn lộn đi hơi nguy hiểm, kể tách riêng xe máy ra cũng đỡ".
"Nếu giờ nhà nước phân luồng được ô tô riêng, xe máy riêng thì nó sẽ tốt hơn cho người đi xe gắn máy, thì nó sẽ góp phần 70-80% an toàn".
"Có những trường hợp ví dụ như vừa rồi ở cầu kia, cũng do còi hơi to quá, thế là ông già đi giật mình, thế là phanh ông ấy ngã ra đấy".
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho thấy, trong số gần 18.000 vụ TNGT xảy ra năm 2019, có tới gần 70% số vụ liên quan đến người điều khiển mô tô, xe máy. Đặc biệt, gần 90% số nạn nhân thương vong do TNGT là người đi mô tô, xe máy.
Đánh giá về điều này, TS Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, bên cạnh ý thức, kỹ năng của người điều khiển mô tô, xe máy khi đi vào điểm mù của xe tải, có một phần nguyên nhân là do việc tham gia giao thông hỗn hợp, đặc biệt là những phương tiện có điểm mù lớn là xe tải quá gần với làn xe máy.
"Ví dụ xảy ra vụ TNGT giữa xe tải với xe máy, thì đôi lúc do cả 2 phía, ông xe máy kiến thức, kỹ năng cũng kém, tức là đi vào điểm mù, nhưng ngược lại người lái xe khách, xe tải cũng không nhận ra rủi ro trong giao thông hỗn hợp. Bởi vì trong tình huống như vậy, họ phải cẩn trọng, thận trọng hơn nhiều, là xe máy, xe đạp điện, trẻ em xung quanh cự ly rất gần, chỉ cần không quan sát, anh cua một cái là có khi gặp tai nạn ngay", ông Minh đánh giá.
Bất an với làn xe hỗn hợp. (Ảnh: Báo Đồng Nai) |
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro cao cho người đi mô tô, xe máy là do việc phân làn lâu nay vẫn để xe máy lưu thông quá gần làn xe tải: "Nếu không có biển cấm thì các xe được lưu hành, nhưng đường hỗn hợp thì không thể cấm được. May có cấm được giờ cao điểm đối với taxi thôi, nên nguy cơ ùn tắc và chất lượng cuộc sống và giao thông của người dân hiện nay còn hạn chế".
Nói về việc tổ chức giao thông cho làn xe tải quá sát với xe máy, Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Trường ĐH GTVT cho rằng, tất cả các thiết kế đường bộ lâu nay đều lấy thiết kế từ các nước phát triển. Vì vậy, việc xe tải đi làn ngoài cùng là hợp lý. Song khác biệt là ở Việt Nam có quá nhiều xe máy, nhưng thực tế các tuyến đường đều không thiết kế làn riêng cho xe máy. Trong khi đó, khả năng chuyển làn và lấn sang các làn khác của xe máy rất cao, gây xung đột và TNGT rất cao.
"Nơi nào có luồng xe tải nhiều, lưu lượng lớn, và cho phép cả xe máy hoạt động trên đường ấy nữa thì về cơ bản phải tách dòng ấy ra, nghĩa là tách dòng bằng biện pháp cứng hoặc tối thiểu là nửa cứng thì mới đảm bảo được an toàn", ông Tuấn nói.
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia giao thông Doãn Minh Tâm cho rằng, do xe tải, nhất là xe hạng nặng có điểm mù lớn, người đi xe máy bên cạnh, thậm chí trước mũi xe, tài xế cũng rất khó phát hiện. Do vậy, cần quy định cấp đường tối thiểu cho các xe tải hoạt động. Đây cũng là xu hướng được hầu hết các quốc gia khác trên thế giới thực hiện: "Kinh nghiệm thế giới thì với những đường bố trí xe tải hạng nặng bao giờ họ cũng tách làn xe thô sơ đi riêng, và có dải phân cách tối thiểu là 1m để đảm bảo nằm ngoài điểm mù của xe vận tải hạng nặng".
Lâu nay, việc tổ chức giao thông đều bố trí làn xe tải gần xe máy, nhưng khi tổ chức giao thông hỗn hợp giữa ô tô và xe máy lại thiếu những nghiên cứu về tác động của dòng xe tải hạng nặng. Do vậy, các ý kiến đều cho rằng, dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sắp tới cần quan tâm đến dòng xe này, không nên bố trí làn xe tải, nhất là xe hạng nặng đi sát với làn xe 2 bánh.
Đừng “lấy trứng chọi đá”
Việc tổ chức giao thông cho làn xe tải phía ngoài cùng là thông lệ các nước đều thực hiện dựa trên tốc độ và mức độ an toàn của từng loại phương tiện. Song dưới góc nhìn của VOVGT, với đặc thù nhiều mô tô, xe máy tham gia giao thông hỗn hợp, với những tuyến đường nhiều xe tải, nhất là xe hạng nặng, cần có giải pháp phân luồng hợp lý.
Với đặc thù nhiều mô tô, xe máy tham gia giao thông hỗn hợp, với những tuyến đường nhiều xe tải, nhất là xe hạng nặng, cần có giải pháp phân luồng hợp lý. (Ảnh: Tiền Phong) |
Tôi từng được nghe kể câu chuyện về một người bạn mới mua được chiếc xe con. Mỗi lần lấy xe đi, anh đều rất cẩn thận. Trong một lần cùng ngồi trên xe do anh điều khiển, thấy anh vượt xe container nhưng vẫn chạy không nhanh hơn container là bao, bạn anh hốt hoảng nhắc nhở chú ý quan sát và vượt một cách dứt khoát. Nhưng tính cẩn thận nên mất vài phút mới may mắn vượt xe container thành công. Gần 1 năm sau, anh phải lắc đầu thừa nhận, khi đó quá dại. Bởi sau lần đó, chiếc xe do anh điều khiển đã bị chiếc container đi bên cạnh vò nát, may mắn anh giữ được tính mạng nhưng gãy vài cái xương sườn và nửa năm nằm viện điều trị.
Có người ví von, nếu xe con là chú thỏ đáng yêu, thì chiếc container như chú gấu to xác xù xì, chỉ một cái tát yêu của gấu cũng đủ làm chú thỏ bầm dập.
Ô tô đã vậy, với xe máy chắc hẳn hậu quả thương tâm hơn nhiều. Các số liệu nghiên cứu đã chỉ rõ, xe máy có hệ số an toàn thấp nhất, với mức nguy hiểm gấp 4 lần ô tô con, 10 lần xe buýt, 13 lần tàu điện đô thị. Việc phân làn cho xe tải, nhất là xe tải hạng nặng đi sát làn xe máy, nếu không may xảy ra va chạm, cũng không khác nào “lấy trứng trọi đá”.
Để hạn chế rủi ro cho người đi xe máy, hầu hết các nước đều tách hẳn làn xe máy với xe tải, nhất là dòng xe tải hạng nặng.
Để làm được điều đó, trước hết, với những tuyến đường hiện hữu, cần có khảo sát cụ thể về lưu lượng phương tiện, nhất là xe tải hạng nặng để hạn chế lưu thông, chỉ cho phép chạy trên một số tuyến, tối thiểu là đường ô tô cấp 3 trở lên.
Thứ hai, với những tuyến Quốc lộ, những tuyến đường mới, cần khắc phục triệt để việc đấu nối tràn lan vào quốc lộ. Kinh nghiệm thực tế triển khai tách làn xe máy tại Quốc lộ 5 trước đây cho thấy, việc tham gia giao thông bằng xe máy khi có làn riêng rất an toàn. Tuy nhiên, do việc đấu nối tràn lan, ô tô muốn rẽ vào đường nhánh sẽ buộc phải lưu thông vào làn xe máy. Điều này không chỉ triệt tiêu năng lực thông qua của các phương tiện vận tải trên Quốc lộ, mà còn khiến ý định phân làn bị phá sản.
Thứ ba, với những tuyến đường làm mới, ngay trong tiêu chuẩn thiết kế đường, việc thiết kế làn riêng cho xe máy cần được tính đến, khi lưu lượng phương tiện tăng lên đến một ngưỡng nhất định sẽ phải tách riêng làn xe máy. Điều này có thể gây thêm tốn kém khi trang bị thêm các trang thiết bị an toàn, nhưng không gì sánh bằng tính mạng con người - như khẩu hiệu đặt ra lâu nay.
Khi xe máy là phương tiện giao thông chủ đạo và được dự tính sẽ tiếp tục giữ vai trò này đến năm 2030, việc tách làn phương tiện 2 bánh và các loại ô tô tại các trục hướng tâm, các tuyến quốc lộ chính cần được tính đến. Khi giao thông hỗn hợp được hạn chế, không chỉ giúp tăng năng lực thông qua của các phương tiện vận tải, mà việc tham gia giao thông của xe 2 bánh sẽ an toàn hơn, chứ không phải lúc nào cũng nơm nớp mỗi khi ra đường.
Theo vov.vn