Phản ứng của ông Hồ Quang Cua trước nguy cơ bị mất thương hiệu gạo ST25
Trước thông tin doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu gạo ST25, ngày 21/4, cha đẻ của thương hiệu gạo ST25 – Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết ông chỉ chuyên tâm nghiên cứu nên ít chú ý đến vấn đề đăng ký bản quyền thương hiệu.
Sau nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột..., thêm một thương hiệu nông sản của Việt Nam bị doanh nghiệp khác đăng ký thương hiệu ở nước ngoài. Thông tin gạo ST24, gạo ST25 đã bị 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ được Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận qua thông tin phản ánh của doanh nghiệp.
Nếu gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp đăng ký bản quyền tại Mỹ thì Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ buộc phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST25 ở Mỹ, nếu không sẽ vi phạm sở hữu trí tuệ.
Với những trường hợp bị đăng ký mất bản quyền thương hiệu như ST24, ST25, cơ quan chức năng cũng khó có thể can thiệp mà chỉ có thể cung cấp thông tin.
Ông Hồ Quang Cua, cha đẻ của loại gạo ST25 ngon nhất thế giới cho biết: "Tôi chỉ chuyên tâm nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa, trong khi vấn đề đăng ký bản quyền thương hiệu rất phức tạp nên ít chú ý đến. Công tác này để cho người khác làm. Tôi cho rằng, giá trị thật bao giờ cũng thắng. Họ không làm ra, không sản xuất, không có cánh đồng canh tác nào mà nói là của họ thì khó nghe lắm”.
"Cha đẻ" của gạo ST25, kỹ sư Hồ Quang Cua. |
Ông Hồ Quang Trí, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25 cho biết, việc 4 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bản quyền gạo ST24, ST25 không ảnh hưởng đến chủ sở hữu giống lúa ST24, ST25 và không có ai cấp độc quyền sản phẩm gạo cả.
"Tại sao có đến 4 doanh nghiệp cùng đăng ký sở hữu thương hiệu gạo ST24, ST25? Bởi doanh nghiệp nào cũng đăng ký được, kể cả ở Mỹ hay Việt Nam miễn đáp ứng đủ hồ sơ. Thương hiệu gạo ST24, ST25 được đăng ký bảo hộ, thương hiệu đó phải gắn liền với tên của doanh nghiệp đó" - ông Trí khẳng định.
Trong khi đó, ông Hồ Quang Cua bày tỏ mong muốn được nhượng bản quyền giống lúa thơm ST25 lại cho Nhà nước. Đây là mong muốn từ lâu của ông, chứ không phải bây giờ nhen nhóm. Lý do ông đưa ra là vấn đề quản lý giống hiện nay rất phức tạp, tình trạng gạo giả, gạo nhái cũng xuất hiện nhiều, là vấn đề nhức nhối không chỉ với doanh nghiệp, nhà nghiên cứu. Chính vì vậy, khi Nhà nước quản lý giống, mọi việc sẽ thuận lợi hơn.
"Tôi đã bỏ ra tâm huyết, sức lực để nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo được nên chỉ muốn nhượng quyền lại để cho Nhà nước quản lý phát triển cho tốt, chứ một mình doanh nghiệp gia đình tôi không làm nổi", ông Hồ Quang Cua nói.
Còn về vấn đề đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường nước ngoài, ông Cua cho rằng: "Đúng là ở thị trường Mỹ, tôi đã thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ. Ở các thị trường khác, tôi nhờ Tập đoàn PAN đăng ký bảo hộ".
Theo quy định hiện hành, việc chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng được thực hiện bằng hình thức ký hợp đồng hoặc bằng văn bản xác nhận. Việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng được thực hiện thông qua hợp đồng chuyển nhượng và phải làm thủ tục đăng ký.
Như vậy về dân sự, người sở hữu quyền đối với giống cây trồng có thể chuyển giao cho một đơn vị sự nghiệp, tổ chức có chức năng nghiên cứu, ứng dụng giống cây trồng thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập thông qua hợp đồng.
Ngoài ra trường hợp hiến, biếu, tặng, cho, chuyển giao khác thì theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, tài sản này sẽ được Nhà nước Việt Nam tiếp nhận và được chuyển thành tài sản thuộc sở hữu toàn dân.
Về việc ông Hồ Quang Cua bày tỏ mong muốn được nhượng bản quyền giống lúa thơm ST25 lại cho Nhà nước, theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Theo quy định tại Điểm d, đ, Khoản 9 Điều 5, Nghị định số 29/2028/NĐ-CP thì có thể chuyển giao cho Chính phủ, Bộ Tài chính hoặc đơn vị được Bộ Tài chính phân cấp; còn chuyển giao cho chính quyền địa phương, thì Sở Tài chính là đơn vị chỉ trì.
Mỗi một quốc gia đều có một hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền SHTT mà các nhà xuất khẩu tiềm năng cần phải tìm hiểu rõ. Tốt hơn cả là các nhà xuất khẩu tiềm năng cần tìm đến các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này trước khi xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.
Khi nghiên cứu thị trường xuất khẩu, một trong số những yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu được các quy định về bảo hộ quyền SHTT ở thị trường xuất khẩu, bởi trước khi xuất khẩu các doanh nghiệp ít nhất phải bảo đảm rằng sản phẩm của mình tuân thủ các quy định về bảo hộ quyền SHTT ở thị trường xuất khẩu và không xâm phạm quyền SHTT của người khác trên thị trường đó.
Mỗi một sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau, điều quan trọng là doanh nghiệp cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình.
Hiền Anh