Phần lớn trẻ em bị xâm hại tình dục từ người thân quen
Thời gian gần đây trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tình hình tội phạm xâm hại tình dục đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em vẫn sảy ra và có dấu hiệu ngày càng gia tăng. Theo báo cáo của Trung tâm Cung cấp dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng tính đến hết năm 2013, Trung tâm đã tiếp nhận 11 trường hợp có liên quan đến vấn nạn trẻ em bị xâm hại tình dục.
Thủ phạm của các vụ xâm hại tình dục này thường có quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân như họ hàng, bạn bè hoặc hàng xóm...Trong khi đó nạn nhân thường là các cháu nhỏ, không có đủ khả năng tự bảo vệ mình hoặc chưa có ý thức về việc mình bị xâm hại nên thường không nói với cha mẹ hoặc bị đe dọa nên đã dấu gia đình.
Ông Vũ Duy, chuyên viên tư vấn tại Trung tâm cho biết: “Phần lớn trẻ bị xâm hại tình dục là trẻ từ 5 đến 15 tuổi, cá biệt có trường hợp trẻ 3 tuổi. Tuy nhiên, con số thống kê số này chưa sát với tình hình thực tế. Những trường hợp trung tâm phát hiện thường là gia đình hoặc cơ sở thông báo. Còn nhiều vụ xâm hại tình dục vì nhiều lý do khác nhau đã không tố giác tội phạm hoặc tự giải quyết với nhau. Trong khi đó, nạn nhân do thiếu hiểu biết, mặc cảm nên việc tiếp cận với họ cũng là một trở ngại”.
![]() |
"Hầu hết các trẻ bị lạm dụng tình dục thường phải chuyển đến một nơi khác để sinh sống", ông Vũ Duy - chuyên viên tư vấn tại Trung tâm cho biết |
Cũng theo ông Duy, những trẻ bị xâm hại tình dục thường có dấu hiệu mặc cảm, tự ti, nhiều trẻ phải bỏ học, chuyển trường vì xấu hổ. Một số trường hợp cán bộ trung tâm phải theo sát để hỗ trợ tư vấn, tham vấn và trang bị kỹ năng cho trẻ. Những trường hợp này thường là những trẻ đã lớn, biết nhận thức.
Về phương pháp tư vấn khi cho trẻ bị xâm hại, chuyên viên cho biết: Do trẻ còn nhỏ, khi bị xâm hại tình dục trẻ thường dễ bị tổn thương vào thời điểm khi hành vi xâm hại diễn ra và có thể tiếp tục gây tổn thương nạn nhân trong suốt quãng đời còn lại của trẻ. Do đó, đối với trường hợp trẻ bị xâm hại, chuyên viên tư vấn sẽ tư vấn cho gia đình, bố mẹ, người thân có trẻ bị xâm hại về cách chăm sóc trẻ như thế nào, cách nói chuyện, chia sẻ với trẻ.
Đối với các bậc phụ huynh phải thường xuyên trò chuyện cùng con để hiểu con muốn gì hoặc đang gặp rắc rối như thế nào. Không nên cho rằng những điều con kể là chuyện bịa đặt mà thờ ơ không tìm hiểu rõ ngọn ngành.
Thường xuyên giao tiếp với trẻ là một phương pháp quan trọng, bởi trẻ bị xâm hại tình dục thường bị tổn thương về thể xác và tinh thần, thường xấu hổ, mặc cảm, tự ti. Do đó, người lớn phải kiên trì gần gũi, động viên các em, để các em nói ra sự thật và giúp đỡ các em vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
“Khi được các chuyên viên tư vấn, tham vấn hầu hết các trẻ dẫn ổn định được tâm lý, bắt đầu đi học lại nhưng sẽ phải thay đổi môi trường, nhà cửa. Thường những trẻ này phải chuyển đến một nơi khác để sinh sống”, ông Duy cho biết.
Đánh giá về vai trò của tư vấn, tham vấn kịp thời đối với trường hợp trẻ bị xâm hại, chuyên viên Vũ Duy nhấn mạnh: “Nếu không được hỗ trợ và giúp đỡ kịp thời giúp trẻ ổn định về mặt tâm lý, hàn gắn từ sự xâm hại, những cậu bé bị xâm hại có thể trở thành những người đi xâm hại khi lớn lên”.