Phản đối sáp nhập trường: Đã khai giảng vẫn... thất học
![]() |
Trong khi cả nước, toàn tỉnh Hà Tĩnh các em đang hòa chung vào năm học mới thì hàng trăm học sinh trường THCS Hương Bình, Kỳ Lợi vẫn chưa đến trường (ảnh Trương Hoa) |
Phản đối bằng cách cho con ở nhà!
Cho đến thời điểm hiện nay, con số các em ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh đến trường chỉ tính trên đầu ngón tay. Đó là do người dân phản đối chủ trương giải thể trường THCS Hương Bình.
Theo đó, trường này phải sáp nhập và 247 học sinh/8 lớp sẽ phân bổ về hai trường mới Trường THCS xã Hòa Hải và THCS xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê.
Chủ trương này được UBND xã Hương Bình thông báo vào cuối tháng 8/2014. Đến nay chủ trương này vẫn chưa nhận được sự đồng tình của người dân.
Quan điểm của dân là giữ lại mái trường, cái nôi học hành cho thế hệ mai sau. Họ sẵn sàng bỏ bê công việc ra “gác” cổng trường, không cho một ai đến xâm chiếm ngôi trường làng đã trải qua bao thế hệ.
Song, một mối lo thực tế khác là 2 trường mới quá xa với xã Hương Bình.
Chị Lê Thị Hiền, xóm 1, xã Hương Bình chia sẻ: “Phận làm cha, mẹ rớt nước mắt, khi con chưa thể tới trường. Con họ đi học hết rồi. Đi về lại kể chuyện ở lớp, trường vui. Con Tuệ nhà tôi nó ôm mặt khóc. Nó nói, cha mẹ không cho con đi học, không theo kịp chương trình, học dốt thì đừng trách. Đau lòng lắm.
Nhưng chỉ nghĩ đến đứa trẻ nhỏ xíu, lớp 6, đạp xe lọc cọc đi học gần 12km, băng qua con “đường đỏ”, đường mòn Hồ Chí Minh đầy nguy hiểm để xuống Trường THCS Phúc Đồng học, chịu chi thấu. Lỡ con xẩy ra chuyện không may trên đường, thì cha mẹ ăn vào đâu?”
![]() |
Người dân xã Hương Bình vẫn hàng ngày đến cổng trường cũ để phản đối việc giải thể trường (Ảnh: Trương Hoa) |
Chị Liên, một người dân của xã Hương Bình cho biết: Phân tích lợi hại, người chịu thiệt là con em Hương Bình. Không thể để con đến nơi vùng lũ xã Hòa Hải hay đạp xe gần 12km để đi học băng qua đường mòn Hồ Chí Minh đến Phúc Đồng.
Chúng tôi đa số làm nông, thời gian đâu để hàng ngày chở con đến trường. Đang yên, đang lành, bỗng dưng giải thế trường, quá sốc với người dân".
Do bức xúc, người dân rủ nhau đem nồi, niêu đến trường nấu nướng, ăn uống, trực 24/24h. Họ quét dọn trường, lớp, quét sơn, vôi ở các gốc cây, hành lang lớp, với mong muốn chính quyền sẽ “mủi lòng” mà thay đổi quyết định.
Nhưng đã 2 tháng nay, quyết định ở trên đã “giáng xuống” phải thực hiện nghiêm chỉ thị của tỉnh. Vì đây là quy định. Quy định với lộ trình đem lại lợi ích kinh tế, đem lại sự đổi mới trong ngành giáo dục tỉnh nhà.
Điều đáng nói, để phản đối việc sáp nhập trường THCS, nhiều phụ huynh cũng không cho con em mình đang ở độ tuổi học mầm non, tiểu học đến trường đóng tại xã, dù các trường này không liên quan gì đến sáp nhập.
Cụ thể, tại xã Hương Bình, đến thời điểm này vẫn còn hàng trăm học sinh từ mầm non đến THCS chưa đến trường. Trường Mầm non Hương Bình mới chỉ có 26/215 em đến trường, Tiểu học Hương Bình có 28/255 em, Trường THCS Hương Bình có 30/247 em đến trường.
Giải thích lý do này, nhiều phụ huynh cho rằng, con họ đang học mầm non, tiểu học trong xã, nhưng khi lên THCS sẽ phải lặn lội đường xa để đến trường mới sáp nhập.
“Có hy sinh, chịu thiệt mới đi đến đồng thuận”
Chia sẻ với Infonet, cô Phan Thị Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Bình cho biết: "Trước thực trạng này nhà trường rất buồn. Gần 1 tháng nay, giáo viên, các cấp, ngành địa phương đã lập nhóm, phân bổ đến từng xóm, gia đình, thậm chí gặp trực tiếp từng em, phụ huynh để trao đổi, thuyết phục, nói cho mọi người hiểu, nhưng kết quả đều không ăn thua. Số lượng các em tới trường vẫn đang rất ít. Chúng tôi rất lo".
Cô Anh nói thêm, về tận nhà dân thuyết phục mới biết, các em rất muốn đến trường nhưng cha mẹ không cho. Hàng ngày, thay vì đến lớp các em ở nhà ngồi chơi, đi trâu bò, cắt cỏ. Có em đã ôm cô giáo khóc, vì chưa được đi học.
“Giờ ai cũng muốn thắng, dành quyền lợi về mình thì việc chung sẽ khó giải quyết. Chúng ta, phụ huynh, nhà trường, chính quyền mỗi bên hy sinh, chịu thiệt mới đi đến đồng thuận.
Tất nhiên, không người thầy, người cha nào muốn con (trò) mình không được đến trường. Hãy vì tương lai trẻ nhỏ, sự khó khăn chung của ngành giáo dục, phụ huynh nên cho con em mình trở lại trường” - cô Anh chia sẻ.
![]() |
Nếu mỗi bên chịu hy sinh một chút để hòa chung vào sự khó khăn chung của ngành giáo dục, để các em được đến trường (Ảnh Trương Hoa) |
Trả lời cho thắc mắc, vì sao phải giải thể trường THCS Hương Bình, cô Anh phân tích: Trường không đủ số lượng phòng học (8 lớp), khuôn viên trường nhỏ, cơ sở vất chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn. Trong khi đó, theo quy định, trường sáp nhập phải có trên 16 phòng học. Hai trường kia có cả hai điều kiện trên.
Trước lo lắng của người dân khi con em họ phải về trường Hòa Hải hay ngập lụt khi nước lũ về nhưng cô giáo Anh cho hay, đường tránh lũ địa phương đã làm lại khang trang.
Chủ trương sáp nhập trường là một chủ trương lớn của Hà Tĩnh thời gian qua. Thầy Trần Đình Hùng, Trưởng phòng giáo dục huyện Hương Khê cho biết, đây là một chủ trương đúng đắn.
Cô Trần Thị Hương, hiệu phó Trường THCS Hương Bình cũng đồng tình với quan điểm sáp nhập trường cấp II của xã Hương Bình vào điểm trường Hòa Hải và Phúc Đồng.
"Cái khổ là dân ta chưa làm quen được với việc con mình rời khỏi “trường làng”. Chúng tôi, vẫn kiên trì đến cùng là vận động, thuyết phục con em đến trường.
Chúng ta không thể đứng nhìn những đứa trẻ sống trong xã hội hiện đại mà không được đến trường vì quan điểm, lối suy nghĩ tiêu cực của một đại đa số phụ huynh. Phụ huynh, nhà trường, chính quyền cứ giằng co mãi, người chịu thiệt là con trẻ. Trẻ thơ cần cắp sách đến trường" - Cô Hương chia sẻ.