Phải có giấy âm tính mới được về quê ăn Tết gây lãng phí, ít giá trị phòng dịch
Xét nghiệm chỉ có giá trị vào thời điểm xét nghiệm thôi, nhưng với các chuyến đi dài của người từ tỉnh khác về thì có rất nhiều nguồn lây mà họ có thể tiếp cận
TS. Bùi Lê Minh, trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT - ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết trước thực tế nhiều địa phương vận động người dân không về quê đón Tết thì bản thân ông cũng bị ảnh hưởng.
“Tôi lập nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh, sắp tới định về Thái Nguyên ăn Tết mà đọc cái công văn buồn quá”, TS Lê Minh cho hay.
Theo đó, TP Thái Nguyên, mới có văn bản nêu rõ: Tuyên truyền, vận động, thông tin đến người thân trong gia đình đang học tập, làm việc, lao động ngoài tỉnh không đi về TP Thái Nguyên dịp từ nay đến Tết nguyên đán.
Đáng lưu ý, dù không “cấm” nhưng Thái Nguyên lại “thòng” thêm tiêu chí: trường hợp do nhu cầu phải đến/về địa phương, yêu cầu bắt buộc phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương trước khi trở về địa phương, gia đình và làm xét nghiệm Realtime- PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên, có kết quả âm tính SARS- CoV-2 còn hiệu lực trong 72 giờ trước khi vào địa bàn. Nếu không có giấy xét nghiệm trước, người dân sẽ phải test nhanh ngay tại điểm chốt vào thành phố.
Tương tự Thái Nguyên, trước đó Quảng Ngãi cũng yêu cầu đối với người đến và về từ các tỉnh, TP có số ca mắc cao như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Ngai, Long An… và vùng cam, vùng đỏ (ngoài các tỉnh nêu trên) chưa tiêm đủ liều vắc xin phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày và tự theo dõi sức khoẻ bảy ngày tiếp theo.
Những người đã tiêm đủ liều vắc xin tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày. Tất cả các trường hợp buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR vào ngày đầu tiên khi đến Quảng Ngãi.
Chia sẻ với phóng viên về việc các địa phương hạn chế người về quê ăn Tết nói chung, đặc biệt Thái Nguyên nói riêng TS Lê Minh cho rằng, các tỉnh thành trên cả nước ít nhất thì cũng đã tiêm mũi 1 trên 70% dân số - nghĩa là nhiều người đã được bảo vệ rồi.
Đặc biệt với yêu cầu phải có xét nghiệm âm tính mới được về quê, TS Lê Minh cho rằng “giá trị của xét nghiệm chỉ cao ở tình trạng cách ly vì rất hạn chế tiếp xúc, nhưng với các chuyến đi dài của người từ tỉnh khác về thì có rất nhiều nguồn lây có thể tiếp cận”.
Hơn thế nữa, TS Minh nhấn mạnh xét nghiệm ngay cả PCR cũng chỉ có giá trị vào thời điểm xét nghiệm thôi, nó không phát hiện ra người mới bị lây.
Ảnh minh hoạ |
“Thứ hai là việc yêu cầu xét nghiệm này sẽ tạo ra 2 áp lực khác: áp lực tại các cơ sở xét nghiệm để cấp chứng nhận âm tính và áp lực tại các điểm kiểm soát dịch ra vào địa phương. Như vậy việc làm này hạn chế được một phần nhỏ nhưng có thể lại tạo ra nhiều nguồn lây lan khác.
Tôi có thể hiểu tâm lý, cách thức chống dịch của các địa phương có số ca nhiễm mới đang tăng cao- vì đây là giai đoạn đầu tiên phải xử lý tình huống này nên còn lúng túng nhưng điểm quan trọng nhất để quay trở lại cuộc sống bình thường là vắc xin. Mà chúng ta đã phủ mũi 1 rồi.
Về khía cạnh xã hội thì trong 2 năm nay nhiều gia đình đã không thể về đoàn tụ trong dịp Tết do dịch rồi, việc yêu cầu vận động người thân không về ăn Tết không phải cách làm hay”, TS Minh nhấn mạnh.
Theo ông, thay vì việc vận động, hạn chế, quy định ngặt nghèo nhằm hạn chế người dân về quê ăn Tết các địa phương nên đưa ra hướng dẫn cho người dân. Cụ thể, các địa phương có thể yêu cầu người thân ở xa tiêm vắc xin trước khi về, lưu ý hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi, người có bệnh nền trong gia đình nếu chưa được tiêm vắc xin.
Được biết, trong sáng nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết sẽ chỉ đạo bỏ yêu cầu xét nghiệm RT-PCR đối với người dân về quê để giảm một phần chi phí. Tỉnh cũng không vận động bà con hạn chế hoặc không về quê ăn Tết.
Tại Thanh Hóa, sau thư ngỏ vận động người dân không về quê ăn Tết gây xôn xao, sáng 6/1, ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy Thanh Hóa cho biết, đây chỉ là thư ngỏ để khuyến cáo, vận động người dân. "Tình hình dịch bệnh phức tạp, chúng tôi vận động người dân, chứ thành phố không cấm bà con ở xa về quê đón Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khi trở về, chúng tôi mong họ chấp hành các quy định phòng, chống dịch của địa phương".
N. Huyền
Vận động người dân không về quê ăn Tết, địa phương không nên 'ngăn sông cấm chợ'
PGS. TS Trần Đắc Phu cho rằng, Nghị quyết 128 đã nới lỏng tất cả các hoạt động kể cả đi lại, do đó chúng ta không “ngăn sông cấm chợ” vì tỷ lệ bao phủ vắc xin đã cao.