PGS Nguyễn Lân Hiếu: Xét nghiệm tầm soát ung thư đang được thực hiện 'vô tội vạ'
Người đàn ông lớn tuổi, bị hẹp động mạch thận đã can thiệp đặt stent tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhiều năm trước. Sau can thiệp, ông dùng thuốc theo đơn của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện, hơn 5 năm nhưng không khám lại.
Trong suốt thời gian đó, sức khỏe bệnh nhân ổn định do ông không quên dùng thuốc huyết áp, chống đông.
Gần đây, hai ông bà được con gái đưa đi tầm soát ung thư, chi phí gần 20 triệu đồng. Rất nhiều thăm dò chẩn đoán hình ảnh được sử dụng, gồm cả chụp cộng hưởng từ (MRI) toàn thân, tất cả các marker (dấu ấn) ung thư từ đơn giản như PSA (ung thư tiền liệt tuyến) và alpha FP (ung thư gan) đến phức tạp đều được kiểm tra.
"Nhìn vào kết quả các xét nghiệm khiến tôi hoa cả mắt. Không biết có phải do nhiều kết quả in đậm, cao hơn giới hạn tham chiếu, khiến bác lo lắng và huyết áp bị tăng lên hay không", PGS.TS Hiếu chia sẻ chiều 16/11, một ngày sau buổi khám cho nam bệnh nhân này.
Sau khi khám kỹ lưỡng, PGS Hiếu không đổi thuốc mà chỉ giải thích cắt nghĩa, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt. Điều đáng nói, ông đánh giá việc sàng lọc ung thư hiện nay đang được thực hiện "một cách vô tội vạ", tràn lan.
Trên trang cá nhân, vị chuyên gia cũng chia sẻ câu chuyện của gia đình, bố mẹ ông đều được khám sức khỏe định kỳ, làm marker ung thư nhưng vẫn không phát hiện được giai đoạn sớm của bệnh. Họ phát hiện bệnh khi ung thư đã ở giai đoạn khá muộn.
"Không biết bao nhiêu trường hợp giống như vậy và chắc chắn rất hiếm người được may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần như bố mẹ tôi", ông viết.
Các xét nghiệm dấu ấn ung thư không được sử dụng để chẩn đoán sớm ung thư, theo khuyến cáo của PGS Lân Hiếu. "Ngoài 2 xét nghiệm kinh điển PSA và alpha FP (như trường hợp nam bệnh nhân trên đây), các marker khác không có giá trị chẩn đoán xác định ung thư do độ nhạy và đặc hiệu không đủ tin cậy", ông nhấn mạnh.
Điều này có nghĩa là dù có chỉ số tăng cao cũng không chắc bị ung thư và ngược lại âm tính cũng không loại trừ được. Trong khi thực tế, rất nhiều người chủ quan với kết quả âm tính này. Cùng đó, không ít người vì nhận kết quả một số chỉ số tăng cao nên lo lắng mất ăn, mất ngủ, lo sợ ung thư ập tới.
Theo bác sĩ Hiếu, thực tế, các marker ung thư được sử dụng để theo dõi đáp ứng điều trị. Bệnh nhân đang điều trị hoá trị, xạ trị, sau phẫu thuật cắt bỏ khối u… sẽ được chỉ định marker liên quan và xét nghiệm theo dõi dọc thời gian.
Nếu các chỉ số này tăng đột biến là cảnh báo sự tái phát của ung thư, còn nếu giảm hoặc giữ nguyên theo thời gian là dấu hiệu bệnh nhân đã đáp ứng tốt theo phương pháp điều trị đang thực hiện.
"Tôi phản đối việc chỉ định xét nghiệm dấu ấn ung thư tràn lan như hiện nay. Đặc biệt các đơn vị tư nhân lấy máu tại nhà rồi tiếp thị người dân bỏ tiền ra làm các xét nghiệm 'lợi bất cập hại' này", ông khẳng định.
Để sàng lọc ung thư, theo khuyến cáo của bác sĩ Hiếu cần khám và tư vấn chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ hỏi bệnh và khám lâm sàng để chỉ định các xét nghiệm cần thiết. Cá thể hoá người bệnh là tiêu chí của y học hiện đại, bởi không thể tầm soát ung thư phổi bằng cách chụp cắt lớp CT Scanner cho một nữ thanh niên không có tiền sử đặc biệt, nhưng ngược lại rất cần ở nam giới tuổi cao hút thuốc bị gầy sút chưa rõ nguyên nhân...
Vì thế, vị chuyên gia khuyên người dân cần cân nhắc trước các lời tư vấn xét nghiệm.