Ông Trương Gia Bình: Mỗi cơ quan, doanh nghiệp nên chọn một “điểm đột phá” để bắt đầu chuyển đổi số
Với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”, Diễn đàn Cấp cao CNTT và Truyền thông Việt Nam - Vietnam ICT Summit 2019 vừa được Bộ TT&TT và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức tại Hà Nội đã đặc biệt nhấn mạnh tính cấp thiết của việc tiến hành chuyển đổi số tại Việt Nam, đồng thời chỉ rõ yếu tố tiên quyết với tiến trình chuyển đổi số chính là sự đồng thuận, chung tay của Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng công nghệ.
Trong phát biểu tại Diễn đàn, nhận định chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam, song Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã cho biết: “Đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Một khối lượng công việc khổng lồ, một sự chuyển dịch mang tính lịch sử, ngàn năm mới có một lần. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chuyển đổi số không cần nhiều cơ sở vật chất mà cái cần chính là thay đổi tư duy”.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty FPT, Chủ tịch VINASA nhấn mạnh: "Chuyển đổi số là một vận hội phát triển chưa từng có trong lịch sử, thời cơ để Việt Nam bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên các nước phát triển". |
Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Thế giới đang chứng kiến những thay đổi vô cùng to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người sử dụng và nhiều mô hình kinh doanh mới đã và đang được hình thành. Amazon cả tập đoàn chỉ có 6 kế toán, người mua hàng chỉ cần mở ứng dụng, vào cửa hàng, scan, nhặt đồ và ra về, các thủ tục về thanh toán được thực hiện tự động trên ứng dụng amazon go; từ bất kỳ đâu trên thế giới chỉ cần có điện thoại di động, Wi-Fi là có thể học được trực tuyến từ các giảng viên xuất sắc nhất trên thế giới trên ứng dụng học trực tuyến của coursera; các mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh tế chia sẻ, được hình thành từ việc sử dụng các công nghê mới đã tạo nên Uber, Grab, AirBNB...
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo. Còn công ty nghiên cứu McKensey chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%.
“Chuyển đổi số là một vận hội phát triển chưa từng có trong lịch sử, thời cơ để Việt Nam bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên các nước phát triển. Vậy Việt Nam chúng ta đang ở đâu? cần làm gì? đâu là những giải pháp đột phá cho Việt Nam?”, ông Trương Gia Bình nêu vấn đề.
Kết quả khảo sát nhanh về chuyển đổi số được Ban tổ chức Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019 tiến hành với 352 đơn vị, doanh nghiệp đã cho thấy, có 5,1 % cơ quan, tổ chức trả lời chưa hiểu biết, chưa có hành động gì; 30,7% cơ quan, tổ chức đã tìm hiểu nhưng chưa biết cần phải làm gì; 40,6% đơn vị cho biết đã hiểu và đã sẵn sàng mọi nguồn lực cho chuyển đổi số; 23,6% đơn vị đang triển khai các hoạt động chuyển đổi số.
Ba yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam, theo đánh giá của các đơn vị, doanh nghiệp tham gia khảo sát, gồm có: quyết tâm của Chính phủ (69%); phát triển hạ tầng số (53,7%) và sự đồng thuận của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (52%). Ngoài ra, 2 yếu tố quan trọng tiếp theo là cơ chế chính sách cởi mở (45,5%)và đào tạo nguồn nhân lực (41,8%).
CNTT, Tài chính ngân hàng và Thương mại điện tử được nhận định là 3 lĩnh vực có thể chuyển đổi số nhanh nhất, với tỷ lệ các cơ quan, tổ chức lựa chọn lần lượt là 77,3%; 69,3% và 65,5%.
Về phía tổ chức, doanh nghiệp, 3 yếu tố được cho là quan trọng nhất để giúp đẩy nhanh chuyển đổi số là tầm nhìn và quyết tâm của lãnh đạo (85,5%); có kế hoạch chuyển đổi số cụ thể (58,8%) và năng lực đội ngũ triển khai (46,9%). Các vấn đề được cơ quan, tổ chức tham gia khảo sát cho biết họ quan tâm hơn cả khi triển khai chuyển đổi số là: nguồn lực để triển khai (55,7%); tin học hóa khác với chuyển đổi số như thế nào (39,2%); chuyển đổi số nên bắt đầu như thế nào (38,4%).
Cũng trong trao đổi tại Diễn đàn, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình khẳng định, Đề án chuyển đổi số quốc gia do Bộ TT&TT chủ trì sẽ đóng vai trò rất quan trọng, nhằm thực hiện những chuyển đổi bứt phá để hướng tới một Việt Nam số, trong đó tận dụng đầy đủ sự tiến bộ, sáng tạo của công nghệ số để phát triển kinh tế xã hội.
Ông Trương Gia Bình cũng cho rằng, để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, doanh nghiệp, tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một “Điểm đột phá” để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành chuyển đổi số. Khi đã tìm được đướng hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, bền vững, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn chiến lược, các tổ chức, doanh nghiệp đó có thể đo đếm, đánh giá tính hiệu quả thực sự để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính cơ sở.
“Câu chuyện về quyết tâm Xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn là một ví dụ cho điều này. Với quyết tâm cao của địa phương và những tư vấn từ các chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm về chuyển đổi số, đây sẽ là nơi thu hút nhân tài khu vực miền Trung, đào tạo mới cũng như hội tụ đội ngũ nhân sự tài năng về trí tuệ nhân tạo để cung ứng cho công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam”, ông Bình chia sẻ.