Ông Johnathan Hạnh Nguyễn xin lập hãng hàng không chở hàng riêng biệt đầu tiên của Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa riêng biệt. Dự kiến năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc, năm thứ ba 10 chiếc.
Ảnh minh họa |
Mới đây, công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch đã đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo vận tải hàng hóa.
Cụ thể, đề xuất được gửi các bộ ngành xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo nêu rõ, Công ty cổ phần IPP Air Cargo đặt mục tiêu thành lập một hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.
Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty cổ phần IPP Air Cargo làm chủ đầu tư. Đây là doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG có trụ sở tại tầng 3, tòa nhà Overview 161 Đồng Khởi, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.
Hiện, IPPG là tập đoàn bán lẻ của Việt Nam, chiếm gần 70% thị trường hàng hiệu quốc tế phân phối trong nước. Đồng thời, IPPG cũng là cổ đông lớn tại Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần Nhà ga hàng không quốc tế Cam Ranh.
Công ty cổ phần IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh ngày 10/3/2021 do ông Nguyễn Hạnh (tức ông Johnathan Hạnh Nguyễn - PV), chủ tịch hội đồng thành viên IPPG, làm Chủ tịch hội đồng quản trị. Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của IPP Air Cargo là bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn). Bà Tiên cũng là tổng giám đốc của Tập đoàn IPPG.
Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động. Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng. Đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.
Ngoài ra, IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa riêng biệt. Trong khi đó, hơn 80% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường hàng không ở Việt Nam do các hãng hàng không nước ngoài vận chuyển. Kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hàng loạt hãng hàng không Việt Nam đã sử dụng máy bay chở khách để chở hàng hóa nhằm kiếm thêm doanh thu khi vận tải hành khách khó khăn.
Theo Doanh nghiệp và tiếp thị