Ông Biden tiết lộ hoạt động của quân đội Mỹ với nhà lãnh đạo Trung Quốc
Ông Biden cho hay, ông đã nói với nhà lãnh đạo Trung Quốc về việc Mỹ tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 28/4, Tổng thống Joe Biden cho hay ông đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, Mỹ sẽ duy trì sự cạnh tranh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương nhưng không tìm kiếm xung đột.
Ông Biden nhấn mạnh, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương giống như NATO đang làm ở châu Âu.
Tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Biển Đông hồi tháng 7/2020. (Ảnh: AP) |
“Tôi nói với ông Tập rằng, chúng tôi sẽ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương như chúng tôi đang làm với NATO ở châu Âu, không phải vì khơi mào xung đột mà là ngăn chặn xung đột”, ông Biden nói.
Cũng theo ông Biden, Mỹ sẽ phản đối hoạt động thương mại không công bằng gây ảnh hưởng tới lợi ích của các công nhân và công ty Mỹ, cũng như đấu tranh để đảm bảo quyền lợi cho các quốc gia khác bao gồm Trung Quốc một khi tuân thủ các quy định về kinh tế toàn cầu giống như Mỹ.
Ông Biden đồng thời cho hay ông tin rằng Mỹ đang ở trạng thái cạnh tranh với Trung Quốc và một vài quốc gia khác giành ngôi vị dẫn đầu trong thế kỷ 21.
Hiện tại, Mỹ - Trung đang tồn tại một số điểm bất đồng sâu sắc. Cụ thể, Washington đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương, cũng như cáo buộc Trung Quốc liên quan tới các vụ tấn công mạng và đánh cắp bản quyền trí tuệ trên đất Mỹ, cùng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng trong nhiều năm qua, Mỹ liên tiếp đưa ra lời chỉ trích Trung Quốc bành trướng trên tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị hơn 3 nghìn tỉ USD/năm. Ngoài ra, quân đội Mỹ và các lực lượng đồng minh còn cho tăng cường tập trận và triển khai tuần tra nhằm “đảm bảo quyền tự do hàng hải” gần các khu vực mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Về phần mình, Bắc Kinh cho rằng những mối quan ngại mà Mỹ nêu ra về các chính sách của Trung Quốc ở khu vực là hành động can thiệp vào chuyện nội bộ quốc gia.
Điều tàu sân bay và tàu đổ bộ tấn công tới Biển Đông, Mỹ muốn gửi thông điệp gì?
Mỹ muốn khẳng định sức mạnh quân sự trước Trung Quốc khi liên tiếp điều động tàu sân bay và nhóm tác chiến sẵn sàng đổ bộ tới Biển Đông.
Minh Thu (lược dịch)