Cuộc tập trận ‘khác lạ’ của quân đội Mỹ - Philippines ở Biển Đông
Mỹ - Philippines nối lại cuộc tập trung chung thường niên trên Biển Đông trong 2 tuần nhưng cắt giảm quy mô tổ chức.
Quân đội Philippines sẽ tổ chức cuộc tập trận chung với hàng trăm binh sĩ Mỹ trong 2 tuần tới ở Biển Đông. Đây là thông báo được tướng quân đội Philippines công bố hôm 11/4.
Các cuộc tập trận chung giữa quân đội Mỹ và Philippines đã bị hủy bỏ trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cuộc tập trận “Balikatan” (Vai kề vai) của quân đội Mỹ - Philippines vào năm 2019. (Ảnh: EPA-EFE) |
Cuộc tập trận “Balikatan” (Vai kề vai) năm nay sẽ kiểm tra khả năng sẵn sàng của quân đội Mỹ - Philippines nhằm đối phó trước các mối đe dọa như thảm họa thiên nhiên và những cuộc tấn công từ các nhóm cực đoan, Trung tướng Philippines Cirilito Sobejana cho hay.
Cũng theo ông Sobejana, khoảng 700 binh sĩ Mỹ và 1.300 binh sĩ Philippines sẽ tham gia cuộc tập trận trong 2 tuần tới. Tuy nhiên, số lượng binh sĩ Mỹ - Philippines tham gia đợt tập trận năm nay chỉ bằng 1/4 so với sự kiện diễn ra những năm trước đó.
“Cuộc tập trận năm nay diễn ra có quy mô không quá lớn và nhằm duy trì liên lạc giữa các lực lượng vũ trang hai nước”, ông Sobejana nói thêm.
Thông báo được ông Sobejana đưa ra chỉ sau vài giờ diễn ra cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana.
“Hai quan chức đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông và sự xuất hiện quy mô lớn thời gian gần đây của các tàu dân quân biển Trung Quốc ở Đá Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam)”, Lầu Năm Góc hé lộ nội dung điện đàm của 2 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Philippines.
Để tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc phòng, Bộ trưởng Austin còn đề xuất “tăng khả năng nhận thức tình hình về các mối đe dọa ở Biển Đông”.
Tình hình căng thẳng ở Biển Đông gia tăng thời gian gần đây khi hàng trăm tàu Trung Quốc được phát hiện có mặt ở khu vực Đá Ba Đầu trong lãnh hải đảo Sinh Tồn Đông (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) hồi tháng Ba. Phía Philippines đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu thuyền khỏi khu vực này, nhưng Bắc Kinh nhất mực từ chối. Thậm chí, Malaysia còn cho hay các tàu Trung Quốc đã trái phép xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Trước đó, Bắc Kinh giải thích sự xuất hiện của các tàu đánh cá ở Đá Ba Đầu là nhằm tìm nơi trú ẩn để tránh thời tiết xấu. Nhưng Philippines cho rằng đây là lực lượng dân quân biển Trung Quốc.
Ngày 25/3, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã có tuyên bố chính thức phản đối hành vi này của Trung Quốc.
“Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS năm 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở Biển Đông (COC)", người phát ngôn nói.
Tới ngày 4/4, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nhấn mạnh việc Trung Quốc duy trì sự hiện diện của dân quân biển thể hiện mưu đồ "chiếm thêm" các khu vực ở Biển Đông.
Hồi tuần trước, Mỹ cũng đã lên tiếng nhắc nhở Trung Quốc về các hiệp ước quân sự giữa Mỹ và Philippines.
“Một vụ tấn công vũ trang nhằm vào các lực lượng quân sự, tàu công cộng hay máy bay của Philippines ở Thái Bình Dương bao gồm khu vực Biển Đông, sẽ làm kích hoạt các nghĩa vụ nằm trong Hiệp ước Quốc phòng Song phương Mỹ - Philippines”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói.
Hoạt động nối lại các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ - Philippines diễn ra sau hơn 1 năm Tổng thống Rodrigo Duterte, người có tư tưởng kết thân với Trung Quốc kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2016, tuyên bố có ý định cắt đứt Hiệp ước các lực lượng ghé thăm với Mỹ.
Tuy nhiên, sau đó, ông Duterte cho biết kế hoạch từ bỏ Hiệp ước đã bị hoãn. Theo Hiệp ước, mỗi năm quân đội Mỹ - Philippines sẽ tổ chức hàng trăm cuộc tập trận chung. Hiệp ước này đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ liên minh gần 70 năm giữa hai nước.
Mục đích Đức điều tàu chiến tới Biển Đông sau 19 năm là gì?
Kế hoạch điều động tàu chiến tới Biển Đông sau 19 năm cho thấy, Đức muốn tăng cường sự hiện diện ở vùng biển chiến lược.
Minh Thu (lược dịch)