Nuôi biển: Cánh đồng cuối cùng của hành tinh trong thế kỷ 21
Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của kinh tế biển. Biển và đại dương chiếm 70% diện tích trái đất, nhưng mới chỉ đóng góp khoảng 1,7% khối lượng thực phẩm của thế giới. Trong đó, sản phẩm nuôi biển mới chỉ chiếm chưa đầy 0,5%.
Nguồn lợi sinh vật của đại dương đang bị khai thác quá mức, mất khả năng tự tái tạo, ảnh hưởng rất xấu đến tính cân bằng của hệ sinh thái biển và đại dương. Vì thế, nhân loại cần canh tác biển và đại dương để phát triển cánh đồng cuối cùng của hành tinh trong thế kỷ 21.
Trong khi đó, dân số thế giới ngày càng tăng nhanh, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm hải sản đang tăng cao và rất đa dạng, khiến cho mâu thuẫn cung – cầu về hải sản trên thị trường thế giới ngày càng trở nên gay gắt. Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), đến năm 2030, thế giới cần thêm 19 triệu tấn hải sản so với năm 2015 mới đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng. Dự báo đến năm 2050 thị trường thế giới cần sản lượng đạm động vật gấp 1,7 lần hiện nay, trong đó nguồn cung cấp chính là nuôi hải sản từ đại dương.
Theo PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), nuôi biển xa bờ là xu hướng phát triển chung trên thế giới và có khả năng tạo ra đột phá kinh tế. So với nuôi động vật trên cạn, nuôi biển được đánh giá cao hơn về hiệu quả kinh tế - môi trường, do có năng suất cao hơn, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp hơn, lại ít gây tác hại tới môi trường.
Ngoài cá, có thể phát triển nuôi với sản lượng rất lớn những loại thủy sản ăn lọc, tận dụng thức ăn tự nhiên, như các động vật thân mềm (hàu, vẹm, nghêu, sò, ốc, trai,…).
Nuôi cá thương phẩm tại Phú Quốc, Kiên Giang. |
Riêng trồng rong biển có thể đạt 400 kg protein/ha/năm (so với trồng cây trên đất chỉ thu 16kg/ha/năm) mà không hề tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nước tưới, lại có tác dụng rất lớn làm giảm CO2 và hấp thu các tác nhân gây ô nhiễm khác trong khí quyển và đại dương.
Theo FAO, trong giai đoạn 2004-2008, mới có 93/165 quốc gia và vùng lãnh thổ có biển tiến hành hoạt động nuôi biển, sản lượng trung bình hàng năm là 30 triệu tấn.
“Tuy nhiên, gần như toàn bộ hoạt động nuôi biển hiện đang diễn ra ở những khu vực tương đối hẹp, kín sóng gió ở gần bờ, nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế, công nghiệp, thương mại, quốc phòng, an ninh. Những hoạt động này mang tính mâu thuẫn, xung đột với nuôi biển, làm giảm đi đáng kể diện tích ven bờ cho nuôi biển.” PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng nói.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA). |
Tiềm năng nuôi biển xa bờ là diện tích bề mặt biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), tức ở khoảng cách từ 3 – 200 hải lý tính từ bờ biển, đáp ứng được ngưỡng giới hạn về độ sâu, tốc độ dòng chảy và chi phí hiệu quả thích hợp với các phương pháp nuôi. Với các công nghệ nuôi biển hiện nay, khu vực đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí nói trên thường chỉ chiếm 0,1% tổng diện tích EEZ.
Kết quả đánh giá tiềm năng nuôi biển toàn cầu và nhiều quốc gia cho thấy tiềm năng nuôi biển xa bờ là rất lớn, ngay cả với trình độ công nghệ hiện tại. Đặc biệt, với đa dạng sinh học, tiềm năng nuôi biển xa bờ đối với các loài hải sản vùng nước cận nhiệt đới lớn hơn hẳn vùng nước ôn đới.
FAO cho rằng ngay cả với diện tích rất nhỏ ấy cũng có thể đóng góp bền vững vào việc tăng sản lượng thực phẩm cho nhân loại. Năng suất nuôi cá biển (dí dụ: cá chim, cá vược, cá hồng Mỹ, cá giò) ở vùng nhiệt đới hiện tại là khoảng 9.900-12.000 tấn/km2.
“Như vậy, chỉ với 1.000 km2 biển (tương đương 0,1% diện tích vùng EEZ của Việt Nam) cũng đã có thể cho sản lượng 10-12 triệu tấn cá biển nuôi mỗi năm”. PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng nói.
Trong tương lai, những tiến bộ công nghệ sẽ mở rộng đáng kể tiềm năng nuôi biển xa bờ. Chẳng hạn, việc tăng độ sâu của hệ thống neo đối với lồng và dây treo, từ giới hạn 100m lên 150m sẽ giúp mở rộng diện tích phù hợp để phát triển nuôi biển lên 31%, hay gần 4,2 triệu km2. Các trại nuôi thả trôi ngoài khơi hoặc được trang bị động cơ đẩy cũng có thể mở ra một khu vực nuôi biển rộng lớn trong vùng EEZ, đến 158 triệu km2 trên toàn cầu.