Nữ thủ khoa chia sẻ “bí kíp” viết văn ấn tượng
Đậu Vĩnh Phương Uyên |
Cố gắng thu thập nhiều tư liệu “sống”
Trải qua kì thi học sinh giỏi quốc gia và mới đây nhất là thi THPT quốc gia 2017, Đậu Vĩnh Phương Uyên cho biết, thế mạnh của mình là luôn cố gắng tìm kiếm nhiều hơn những thông tin ngoài tác phẩm, những đặc sắc trong cuộc đời cầm bút của tác giả, những nhận định hay, sâu sắc mà người đời dành cho họ...
Nếu có thể đưa những chi tiết đó vào phần mở bài, đánh giá hoặc phần kết luận, bài viết sẽ hấp dẫn và có chiều sâu hơn, thuyết phục hơn.
Ngoài ra, để luyện kĩ năng viết và khả năng ứng phó với áp lực thời gian trong kì thi, kinh nghiệm của Phương Uyên là thường nhờ thầy cô ra một số đề và hoàn thành trong thời gian quy định.
Quá trình làm bài và chữa bài là cơ hội giúp bản thân nhận ra yếu điểm để khắc phục và những ưu điểm để phát huy hơn nữa. Luyện nhiều kiểu đề khác nhau cũng giúp tăng sức viết và đỡ hoảng sợ khi đối mặt với đề thi.
Với phần nghị luận xã hội, Phương Uyên cho rằng, phần thi đòi hỏi bản thân phải thực sự hiểu sâu sắc về những vấn đề của đời sống. Bài văn nghị luận xã hội sẽ phải thể hiện được vốn sống của bản thân cùng những suy nghĩ, tư tưởng đúng đắn.
“Bản thân chưa thực sự va vấp nhiều trong cuộc sống thường ngày, nên hành trang đã giúp em vượt qua bài thi Nghị luận xã hội là những câu chuyện xung quanh.
Em không thể tự bản thân mình trải nghiệm tất thảy mọi thứ, nhưng trong cuộc sống có vô vàn những phận người, những cảnh đời đáng để em suy ngẫm và rút ra bài học cho bản thân.
Những sự kiện trên báo đài, những câu chuyện mà người ta vẫn hay bàn tán... Tất cả đều có thể trở thành tư liệu sống tuyệt vời, khỏa lấp đi phần nào sự thiếu sót trong nhận thức của em.
Biết lắng nghe nhiều hơn, biết tích lũy và sử dụng tri thức mình có được từ cuộc sống đúng chỗ là điều em hướng đến trong suốt quá trình học tập và rèn luyện của mình” – Phương Uyên cho hay.
Đừng học thuộc “mù quáng”
Theo Phương Uyên, tồn tại việc học văn theo cách học thuộc tất cả những bài giảng, bài phân tích của thầy cô và đôi khi học thuộc trong mù quáng mà chưa cảm nhận được cái hay của những tác phẩm đó và đó là điều không nên.
Kinh nghiệm của nữ sinh này là, trước hết hãy đọc thật kĩ những bài văn, bài thơ trong chương trình học, tự cảm nhận xem nó hay ở đâu, đặc sắc ở chỗ nào. Sau đó, tham khảo phân tích của thầy cô và xem có những điều thú vị nào mà mình chưa nhận ra khi đọc tác phẩm.
“"À thì ra là vậy" hoặc "À hóa ra ở đây tác giả muốn nói điều này, vì sao mình không nhận ra nhỉ?"... những cảm giác đó sẽ khiến học văn trở nên thật thú vị, thôi thúc người học muốn chinh phục và khám phá” – Phương Uyên chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo Phương Uyên, không nên cố gắng để học thuộc y nguyên và sao chép bài giảng của các thầy cô vào bài làm của mình, như vậy bài sẽ không mang được nét riêng của bản thân, không mang lại sự thú vị cho người đọc.
Cách của Uyên là thường chỉ học thuộc những ý chính cần có trong bài, tự triển khai theo mạch suy nghĩ của bản thân, cộng thêm việc coi những bài giảng ấy như một tư liệu tham khảo để làm đầy thêm, sâu sắc thêm cho bài viết của mình.
“Nếu viết theo dòng suy nghĩ của bản thân, việc làm bài thi sẽ không quá phụ thuộc vào việc mình có nhớ hay không, sẽ thoải mái hơn và em tin sản phẩm mình tạo ra sẽ có sự liền mạch, logic” – nữ sinh xứ Nghệ bày tỏ.