Nữ sinh Hà Nam uống thuốc diệt cỏ tử vong: Báo động lối hành xử tiêu cực!
Vừa qua, sự việc nữ sinh tại THPT Nam Cao (Lý Nhân, Hà Nam) uống thuốc diệt cỏ tự tử ngay tại lớp học vì mâu thuẫn với các bạn cùng trường đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Chia sẻ với báo chí, ông Trần Xuân Mạnh – Hiệu trưởng trường THPT Nam Cao cho hay: "Sáng 6/4 nữ sinh Trần Thị L. (sinh năm 1999) vẫn đi học bình thường và không có biểu hiện gì lạ. Theo quy định của nhà trường, 14h15 có trống báo hiệu vào lớp. Thế nhưng chiều 6/4 em L. tới trường rất sớm, khoảng 13h10 và mang theo chai thuốc diệt cỏ đã mua sẵn trước đó.
Thấy lớp học vẫn chưa có ai nên L. đã uống thuốc diệt cỏ tại lớp học tự tử. Ngay sau đó, các bạn cùng lớp phát hiện ra sự việc đã báo với nhà trường, nhanh chóng đưa em L. đi cấp cứu. Tuy nhiên, do thuốc đã ngấm vào máu nên nữ sinh L. đã tử vong không lâu sau đó”.
Được biết, trước khi xảy ra sự việc đau lòng trên, em L. có mâu thuẫn với một học sinh lớp 12 vì đăng video nói xấu trên facebook và dẫn tới xô xát. Khi biết con gái đã xô xát với học sinh cùng trường nên bố đã mắng L. Thấy mình oan uổng nên nữ sinh này đã mua thuốc diệt cỏ tự vẫn tại lớp học.
Nữ sinh T.T.L (ảnh internet) |
Liên quan tới vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Tố Quyên (Phó trưởng khoa Xã hội học – Học viện Báo chí&Tuyên truyền) cho hay: “ Tự tử là một hành vi đớn hèn chối bỏ sinh mạng, chỉ nghĩ tới bản thân mà không nghĩ tới người đã mang nặng đẻ đau, bao năm chăm sóc và nuôi dưỡng mình. Có thể thấy một thực trạng đáng tiếc là ngày càng xảy ra nhiều vụ tự tử với những lý do lãng xẹt như: Bị từ chối tình cảm, do cãi nhau với bạn bè, do mâu thuẫn với cha mẹ… Nó cũng là biểu hiện của một lối sống ích kỷ.
Hiện nay một bộ phận giới trẻ trong xã hội của chúng ta bị lệch lạc trong tư duy và suy nghĩ, muốn điều gì phải tìm mọi cách để đạt được, nếu không đạt được thì sẵn sàng sử dụng những hành động tiêu cực bất chấp hậu quả và có thể trả giá bằng cả sinh mạng mình.
Đó chính là biểu hiện của việc thiếu kĩ năng mềm. Một bộ phận giới trẻ giờ đây quá hiếu thắng, không biết nhẫn nại, không hề biết tìm cách giải quyết vấn đề mà cứ có vấn đề là nghĩ ngay tới hành động tiêu cực”.
TS. Tố Quyên cũng cho hay, bên cạnh lối suy nghĩ ích kỉ, hành vi tự tử cũng chịu tác động từ xã hội, nhất là với lứa tuổi học sinh. Vì thế, nhà trường cũng cần trang bị cho học sinh những kĩ năng ứng phó với những “biến động” trong cuộc sống hằng ngày, kĩ năng giải quyết vấn đề một cách tích cực, kĩ năng tìm sự trợ giúp của những người xung quanh khi gặp khó khăn.
Tự tử trong mọi trường hợp và với mọi lý do đều là hành động sai trái không thể chấp nhận, nhất là khi nó trở thành sự dày vò không bao giờ nguôi trong lòng những người làm cha, làm mẹ.
Liên quan tới vấn đề này, chị Nguyễn Ngọc Bích (Tây Hồ, Hà Nội) cho hay: “Học sinh cấp 3 là “tuổi nổi loạn”, vì thế các con có những biến động tâm lý rất khác nhau, nhất là trong một xã hội cởi mở như hiện nay.
Vì thế, khi thấy con xô xát với bạn bè hay có những hành động sai trái khác thì nên nhẹ nhàng và từ từ khuyên bảo con. Điều tối kỵ nhất là chúng ta sử dụng vũ lực và quát mắng con. Điều đó sẽ khiến mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái ngày càng cách xa nhau.
Thậm chí, có những đứa trẻ ương bướng chúng còn “sẵn sàng” phản kháng một cách kịch liệt theo kiểu thách thức bố mẹ. Nữ sinh ở Hà Nam uống thuốc diệt cỏ tại lớp học cũng là ví dụ điển hình của “hành động thách thức bố mẹ”.
Khi xảy ra xô xát với bạn cùng trường đã quá uất ức cộng them việc nữ sinh này đã không nhận được sự sẻ chia từ phía gia đình nên đã gây nên sự việc đau lòng”.