Nữ họa sĩ "phù phép" những bức tranh vải độc đáo
Nữ hoạ sỹ Trần Thanh Thục năm nay tròn 60 tuổi. Bà đã có hơn 30 năm sống với thế giới của những mảnh vải màu sắc để tạo nên hàng trăm bức tranh độc đáo.
Hơn 30 năm nay, họa sĩ Trần Thanh Thục âm thầm, bền bỉ tìm cho mình một lối đi trong nghệ thuật hội họa. Lối đi riêng của bà, dù nhỏ, nhưng đã để lại nhiều dấu ấn “tranh cắt vải Trần Thanh Thục”. Từ những vụn vải nhỏ li ti, đủ các màu sắc, chất liệu, nữ họa sĩ đã hoàn thành những tác phẩm cỡ lớn.
Họa sĩ Trần Thanh Thục đến với tranh vải một cách rất tình cờ. Bà kể, lúc còn nhỏ bà ở quê nhà Nam Định, một lần đến nhà người bạn làm thợ may chơi, thấy có những miếng vải vụn họa tiết sặc sỡ thừa ra, bà liền lấy kéo cắt rồi ghép lên tấm bìa thành một bức tranh phong cảnh quê hương. Không ngờ, lúc đem về nhà được bố động viên, thế là trong lòng thấy thích thú.
Từ đó, bà bắt đầu sưu tầm những mẩu vải vụn. Ngày xưa vải vóc còn hiếm, hoa văn cũng nghèo nàn, nhưng bạn bè, người thân ai đi đâu thấy có vải vụn cũng xin về cho bà làm họa phẩm.
“Tôi tình cờ đến được với tranh vải, nhưng tôi cũng rất may mắn khi có được sự ủng hộ từ bố và bạn bè xung quanh. Mọi người luôn quan tâm tới tôi, đi đâu họ cũng cố gắng tìm mua tặng tôi những tấm vải để có thể về sử dụng vào tranh. Có được sự động viên và giúp đỡ ấy, tôi đã cảm thấy tự tin và tiếp tục cố gắng trên con đường làm tranh vải của mình”, bà xúc động chia sẻ.
Chất liệu và những họa tiết trong vải may áo dài thường rất hợp với tranh cắt vải của họa sĩ Trần Thanh Thục, tuy nhiên nguồn vật liệu này "ngốn" của bà nguồn chi phí khá lớn. |
Bắt đầu như thế với những bức tranh nho nhỏ (30x40cm), rồi niềm đam mê lớn dần, đến nay, họa sĩ Trần Thanh Thục thường làm những bức tranh khổ lớn, có bức dài tới 1,2m.
Vụn vải thu gom đã không còn đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của họa sĩ, vì thế, bà thường phải đi nhiều nơi để tìm mua những mảnh vải có hoa văn, họa tiết, vân vải đẹp, phù hợp với ý tưởng của tác phẩm.
Với họa sĩ Trần Thanh Thục, sắc vải đã trở thành niềm đam mê. |
Họa sĩ Trần Thanh Thục tâm sự: “Nguồn họa phẩm của tranh vải rất khan hiếm. Đôi khi cả một tấm vải lớn mình chỉ lấy được một vài chi tiết nhỏ chứ không tận dụng được toàn bộ. Việc chọn vải cũng hết sức cầu kỳ, phải chọn vải tinh, vải may áo dài chứ không thể dùng những loại vải thông thường”.
Nguồn họa phẩm phải là vải tinh như vải may áo dài. |
Theo nữ họa sĩ, chất liệu và những họa tiết trong vải may áo dài thường rất hợp với tranh cắt vải, vì thế, nguồn “vật liệu” này cũng khiến bà khá tốn kém. Bên cạnh đó, bà còn thường xuyên có những chuyến đi xa, tới những vùng núi cao như Sa Pa, Bắc Hà, Đồng Văn, Mèo Vạc, Hội An, Huế… để tìm các tấm vải có màu sắc phù hợp.
Đi đến đâu, bà Thục cũng bị cuốn hút ở những phiên chợ. Ở đó có những xấp vải rực rỡ sắc màu, gợi ra những ý tưởng độc đáo hòa lẫn trong vẻ đẹp của thiên nhiên, của núi đồi sông suối và sự quyến rũ của những phong tục văn hóa. Các chuyến đi của bà ngày một kéo dài, có khi là 10 ngày, có khi rong ruổi gần cả tháng trời.
“Càng theo tranh vải, tôi càng phát triển ý tưởng, ý đồ sáng tạo, đòi hỏi phải tìm tòi, nghiền ngẫm...
Hồi theo học Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, các kỹ thuật điêu khắc, vẽ tranh các chất liệu khác nhau tôi cũng đã đi qua cả. Ngay cả bây giờ, lâu lâu thấy “nhớ” thì tôi vẫn vẽ sơn dầu, nhưng suốt hơn 30 năm qua, trước sau tranh vải lại kéo tôi về", nữ họa sĩ bày tỏ.
Để tranh cắt vải giữ được độ bền, đẹp, họa sĩ phải dùng một loại keo dán đặc biệt giúp tranh không bao giờ bị mốc hay đổi màu vải theo thời gian mà vẫn đảm bảo cảm giác tơ, mịn, bông, xốp của vải. |
Việc chọn lựa vải rất vất vả nhưng lại khiến những bức tranh của hoạ sĩ Trần Thanh Thục hoàn toàn là độc bản, không thể nào có được bản thứ hai. |
Tranh của bà được nhiều khách trong nước và nước ngoài tìm mua. |
Một tác phẩm tranh vải của họa sĩ Trần Thanh Thục. |
Gần 30 năm qua, dù có những lúc nỗi lo cơm áo gạo tiền cuốn bà theo vòng xoáy của cuộc sống thường nhật, song niềm đam mê bất tận với sắc màu đã níu bà trở lại với "nghiệp" làm tranh vải.
Tranh của bà hiện nay được nhiều khách trong nước và nước ngoài tìm mua. Không chỉ thỏa niềm đam mê, tranh nghệ thuật còn giúp bà tìm được những tấm lòng đồng cảm, nguồn động viên từ người yêu tranh và một nguồn tài chính dồi dào để thoải mái sống với nghệ thuật.
"Bao nhiêu ý tưởng tích tụ trong những năm cách quãng giờ đều sẽ được thực hiện. Tôi cảm thấy chưa bao giờ hạnh phúc đến thế", họa sĩ Trần Thanh Thục phấn khởi nói.
Bảo Khánh