Nữ bác sĩ chống Covid-19 được vinh danh: 'Tôi hoàn toàn bất ngờ'
Bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ, 39 tuổi, Phó Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong 20 phụ nữ Việt truyền cảm hứng năm 2021.
Theo danh sách vừa được Forbes Việt Nam công bố, bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ được vinh danh là gương mặt điển hình cho tinh thần tận tụy của đội ngũ y tế Việt Nam trong công tác phòng chống Covid-19.
ThS.BS. Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy, nữ bác sĩ có thân hình nhỏ bé nhưng có những đóng góp và hy sinh không hề bé nhỏ. Cô là nữ bác sĩ duy nhất trong đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đi đến các tỉnh chi viện khi có dịch Covid-19 xảy ra. Hiện bác sĩ Thơ đang hỗ trợ Kiên Giang chống Covid-19.
Chân dung nữ bác sĩ Võ Ngọc Anh Thơ |
Chia sẻ với Infonet, bác sĩ Thơ cho biết chị hoàn toàn bất ngờ khi biết thông tin mình lọt vào danh sách được vinh danh. Từ trước tới nay chị luôn luôn cố gắng làm tốt công việc của mình mà không hề nghĩ làm để được vinh danh, làm để được khen thưởng.
Dịch Covid-19 xảy ra quá bất ngờ, Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là nơi đầu tiên tiếp nhận ca bệnh Covid-19 tại Việt Nam, đó là hai ca bệnh người Trung Quốc. Bác sĩ Thơ cho biết lúc đó mọi việc diễn tiến quá nhanh, bệnh Covid-19 lại hoàn toàn mới nên cảm xúc lúc đó thực sự rất rối và có chút hoang mang lo lắng.
Chị Thơ nhớ lại ngày đầu tiên tiếp xúc với đại dịch, khi đó bệnh nhân Li Ding, 65 tuổi vào khoa trong tình trạng bệnh nền rất nặng. Chị vào khoa trực chiến là lúc bệnh nhân nặng phải thực hiện hàng loạt thủ thuật hồi sức như: cho thở oxy, vỗ lưng... rồi đổi thuốc. Ngày hôm đó chị trực nhưng cảm giác hồi hộp lắm vì với những dịch hô hấp cấp trước đó thì bệnh nhân suy hô hấp thường diễn tiến rất nhanh, rất dễ chuyển sang nguy kịch. Theo dõi nguyên ngày đó, đến khi hết ca 24 tiếng thì bệnh nhân đã đỡ, hết sốt.
Theo chia sẻ của bác sĩ Thơ, lúc đầu chị không biết làm thế nào, cho thuốc ra làm sao để phù hợp với bệnh nhân, làm thế nào để không ảnh hưởng tới đồng nghiệp... Chị và đồng nghiệp đã cùng nhau cập nhật chia sẻ thông tin bệnh nhân mỗi ngày, làm tất cả để mong ngày người bệnh có thể khoẻ mạnh ra viện.
Từ hai ca bệnh cha con người Trung Quốc đến nay, bác sĩ Thơ đã thấy công việc của mình tăng hơn gấp đôi. Trước đây, chưa có dịch thì nữ bác sĩ làm công tác hồi sức chống động cộng thêm truyền nhiễm đã vô cùng vất vả, nhưng hiện tại thì còn vất vả hơn. Chị Thơ xúc động tâm sự: “Con chị quên luôn chị rồi”.
Liên tục 2 năm 2020 và 2021, chị Thơ không đón Tết bên gia đình do tham gia vào các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh của Bệnh viện Chợ Rẫy đi chi viện tại Bình Thuận, Gia Lai, Kiên Giang...
Là người duy nhất trong gia đình theo nghề y, bác sĩ Thơ đối diện với nhiều thử thách nhưng luôn lạc quan, cố gắng tách áp lực công việc ra khỏi cuộc sống gia đình. Chị Thơ hóm hỉnh nói mình đã “đào tạo” cho gia đình quen với công việc của bác sĩ. Ban đầu cả nhà còn thấp thỏm rồi dần dần họ cũng quen với công việc của nữ bác sĩ truyền nhiễm bất cứ khi nào cũng có thể xách ba lô lên và đi.
“Mỗi lần có lịch công tác thì tôi chỉ alo lên báo ba má một tiếng là con phải đi công tác, rồi nhờ mấy người bạn thân qua ngó giúp ba mẹ, đưa đón con đi học. Tôi thấy mình khoẻ, chắc số trời thương nên luôn được mọi người từ gia đình đến bạn bè hỗ trợ, chỉ cần khó khăn nhờ người giúp đỡ cái là có người giúp liền” – chị Thơ chia sẻ.
Chị Thơ là tấm gương bác sĩ say mê với công việc bất kể ngày đêm. Dù chỉ có một mình là nữ trong đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đi hỗ trợ các tỉnh có dịch nhưng chị không bao giờ nghĩ mình là phận nữ nhi. Chị luôn cố gắng làm việc hết sức, không đợi ưu tiên hay có một rào cản giới tính nào. Chị khẳng định chắc nịch rằng bất cứ công việc gì chỉ cần có đam mê là sẽ làm được.
Bác sĩ 'toát mồ hôi' khi mổ ung thư cho người béo phì
BSCK II Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết số bệnh nhân bị ung thư nhập khoa mỗi ngày một tăng và điều đáng nói là trong số đó có nhiều bệnh nhân bị béo phì.
Khánh Chi