Nóng giá đất ăn theo thông tin quy hoạch đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô
Việc chốt ngày UBND TP Hà Nội gửi tờ trình về dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô để tổ chức thẩm định đã tiếp tục làm nóng thêm giá đất tại các khu vực tuyến đường đi qua.
Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu trước ngày 25/12, UBND TP Hà Nội phải có tờ trình Chính phủ, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô để tổ chức thẩm định.
NHÀ ĐẦU TƯ ĐÓN ĐẦU QUY HOẠCH
Ngay sau khi được công bố, nhiều môi giới nhà đất đã liên tục “phát tán” thông tin trên qua các diễn đàn rao bán bất động sản cũng như qua các kênh marketing số như zalo, facebook…
Thông tin quy hoạch và triển khai đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô liên tục được dùng để "kích sóng" giá đất
Các thông tin trên cho rằng cùng với lượng tiền lớn từ các gói kích cầu dự kiến sắp triển khai của Chính phủ, nguy cơ lạm phát tăng cao, việc Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công các dự án lớn như Vành đai 4 vùng Thủ đô thì giá đất "không có lý gì không tăng".
Thực tế từ khi mới có thông tin dự kiến quy hoạch và triển khai đường vành đai 4 Vùng Thủ đô giá nhà đất tại các vùng dự kiến quy hoạch có tuyến đường đi qua đã rục rịch tăng giá từ vài chục phần trăm, thậm chí cá biệt một số điểm còn tăng bằng lần.
Theo anh Đỗ Linh, một môi giới đang hoạt động rất tích cực tại các vùng có thông tin quy hoạch của Hà Nội cho biết, từ khoảng 2-3 tháng trước, các lô đất dự kiến nằm dọc theo tuyến vành đai 4 đoạn qua cầu Mễ Sở nối từ Thường Tín (Hà Nội) sang Văn Giang (Hưng Yên) đã rục rịch tăng giá từ 4-5 triệu đồng/m2 lên mức 11-13,5 triệu đồng/m2.
Thực tế cho thấy, giá nhà đất, nhất là đất nền tại các khu vực vùng ven Hà Nội và các địa phương lân cận vốn đã đã sốt nóng từ đầu năm 2021 lại tiếp tục được đẩy lên cao khi các thông tin về việc triển khai tuyến đường Vành đai 4.
Cũng dự kiến nằm trên tuyến đường Vành đai 4, một số lô đất ở nông thôn tại khu vực Bắc Phú, Sóc Sơn đã nhanh chóng được “hô biến” để phân lô tách thửa và rao bán với giá từ 5-6 triệu đồng/m2.
Trong khi theo người dân địa phương, cách đây một năm đất khu vực này vẫn được giao dịch theo sào Bắc bộ (360 m2), với giá khoảng 300-400 triệu/sào.
Các dự án hạ tầng giao thông lớn luôn kéo giá đất tại các khu vực dự án đi qua lên cao
QUY HOẠCH DÀI HƠI
Được biết, đường vành đai 4 Hà Nội được quy hoạch chạy qua 14 quận, huyện thuộc 3 tỉnh thành phố. Tổng chiều dài toàn tuyến 98km, khoảng 1.230ha đất đi qua Hưng Yên, Bắc Ninh và Hà Nội. Điểm đầu tuyến tại lý trình khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội.
Điểm cuối tuyến tại khoảng Km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, địa phận xã Nam Sơn, thành phố Bắc Kinh, tỉnh Bắc Ninh. Đoạn qua Hà Nội dài 56 km; đoạn qua Hưng Yên trên 20 km và đoạn qua Bắc Ninh hơn 21 km. Quy hoạch đường Vành đai 4 sẽ gồm 6 làn xe cao tốc và đường gom đô thị với mặt đường rộng từ 90 m đến 135 m.
Chia sẻ riêng với Diễn đàn Doanh nghiệp, TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng quy hoạch trên là rất tốt nhưng việc triển khai trong thực tế thường sẽ có độ trễ, nhất là với một dự án liên quan đến nhiều địa phương lại càng có nhiều vấn đề phải giải quyết để triển khai được.
TS Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng tuyến đường Vành đai 4 có tổng chiều dài gần 100km, đi qua 3 tỉnh sẽ tăng sức nóng thị trường bất động sản tại các khu vực mà tuyến đường đi qua.
Tuy nhiên, theo ông Cường trong cơ hội tiềm ẩn không ít rủi ro, đặc biệt là liên quan đến việc mua bán đất khi chưa rõ ranh giới quy hoạch. Cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân sẽ rất khó để xác định được mốc lộ giới, các hành lang tuyến đường hai bên luôn là một ẩn số cũng như ranh giới của những mảnh đất giao thoa giữa trong quy hoạch và ngoài quy hoạch rất khó để định vị, cùng trên một thửa đất, từ đâu đến đâu, địa chỉ nào, tọa độ nào, mốc giới nào là đất ở trong quy hoạch, được giao dịch và cấm giao dịch.
Trong thực tế việc đầu tư đón đầu quy hoạch không phải là mới, đã tồn tại nhiều năm nay, nhiều người kiếm được bạc tỷ nhưng cũng không ít người phải ôm nợ.
Từ việc liên tục xuất hiện những thông tin “kích sóng” giá đất liên quan đến các dự án hạ tầng giao thông, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc “dựa hơi” hạ tầng để đẩy giá bán bất động sản chính là chiêu thức của các “đội lái” để tạo sóng thị trường.
Hạ tầng giao thông được xây dựng mới, mở rộng thực sự đem lại giá trị lớn cho bất động sản lân cận. Nhưng cần lưu ý, việc thực hiện các dự án hạ tầng này mang tính “dài hơi” và đầu tư của người có nguồn tiền nhàn rỗi.
Bên cạnh đó, với các tuyến đường vành đai và hướng tâm đã hiện hữu như Đại lộ Thăng Long thực tế hai bên đường thường được rào lại để đảm bảo an toàn và không thể đỗ xe... do đó, các diện tích ven đường cũng khó đưa vào kinh doanh dịch vụ được dẫn đến việc bất động sản không gia tăng giá trị hoặc giá trị không cao.
"Do vậy, các nhà đầu tư khi quan tâm cần phải khảo sát kỹ địa bàn, nắm rõ về quy hoạch, nguồn đầu tư, thời gian đầu tư và lựa chọn vị trí đất có tính thanh khoản. Tuyệt đối không đầu tư đất lúa, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất trồng rừng" - TS. Nguyễn Văn Đính khuyến cáo.
Giá đất nhiều nơi ồn ã, chuyên gia lo sốt quay trở lại
Nhiều nơi chào giá bất động sản với mức tăng cao so với thời điểm cách đây ít tháng. Hiện tượng đổ xô đi đấu giá, đầu cơ, cùng những ồn ào về phân lô bán nền... khiến lo ngại cơn sốt đất quay lại.
Theo DDDN