"Nóng" chuyện Hoa hậu Đỗ Thị Hà bình luận thiếu chuẩn mực trên mạng: Thiếu tiêu chí, miễn phán xét?
Truyền thông đặt gánh nặng cho hoa hậu là đại diện cho phụ nữ Việt khiến công chúng muốn hoa hậu phải hoàn hảo, là thánh nữ, nhà thông thái. Khi phát hiện ra trong quá khứ có "tì vết" thì công chúng tranh cãi, thất vọng là điều dễ hiểu.
Đây là quan điểm của TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) xung quanh những ý kiến trái chiều về cách dùng ngôn từ của tân Hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà.
Đêm qua sau khi đăng quang, Tân Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà đã trở thành từ khóa hot được tìm kiếm mạnh. Mạng xã hội lại nổi sóng khi phát hiện Tân hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà có những comment có phần “dung tục”, thiếu chuẩn mực trên mạng.
“Dân mạng thích thú khi phát hiện tân hoa hậu rất bình dị, nói chuyện như 500 anh em. Nhưng Đỗ Thị Hà sử dụng những ngôn ngữ tiếng lóng, được cho là thiếu chuẩn mực, thì không thích hợp với một hoa hậu", tài khoản Nguyễn Thúy viết.
“Em nói là truyền cảm hứng nhưng như vậy rất không ổn", Hà Oanh - một khán giả theo dõi Hoa hậu Việt Nam bức xúc.
Trái với luồng ý kiến phản ứng gay gắt, nhiều bạn trẻ lại bày tỏ sự cảm thông khi cho rằng đó là ngôn ngữ “không chính thức” của giới trẻ. Họ cho rằng cộng đồng mạng, đặc biệt là chị em đang quá khắt khe với hoa hậu.
“Hoa hậu cũng là người trẻ tuổi. Chẳng lẽ thời "trẻ trâu" có nhỡ nói tục chút xíu, khi lớn lên và thành công lại bị người ta đào xới, bới móc, bình luận về tư cách sao?”, một người dùng mạng xã hội bày tỏ.
Trao đổi vấn đề này với phóng viên, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) cho rằng, “đó là một thói quen xấu, tân hoa hậu nên thay đổi, người trẻ cũng nên học cách thể hiện quan điểm hay cảm xúc của mình một cách đúng mực”.
Truyền thông đang “vẽ” nên một hoa hậu là thánh nữ và là nhà thông thái
Lý giải việc cộng đồng mạng phản ứng với các comment của tân hoa hậu Đỗ Thị Hà với những từ ngữ thiếu chuẩn mực, TS Khuất Thu Hồng cho rằng vì mọi người luôn mặc định, gán cho hoa hậu các phẩm chất của thiên thần và trông đợi cô ấy là đại diện hoàn hảo cho phụ nữ Việt Nam.
Công chúng đòi hỏi như thế theo TS Khuất Thu Hồng là vì họ được truyền thông “hoa hậu phải hoàn hảo”.
“Nếu coi hoa hậu chỉ là người đẹp Việt Nam thôi thì công chúng sẽ không thắc mắc. Nhưng cách truyền thông về hoa hậu như hiện nay cứ thổi lên là đại diện cho phụ nữ Việt Nam và gán cho đủ thứ tiêu chuẩn, phẩm chất khiến công chúng muốn hoa hậu phải là người đẹp, là thánh nữ và là nhà thông thái. Và khi phát hiện ra trong quá khứ có chút tì vết, cô hoa hậu từng dùng những ngôn từ thiếu chuẩn mực công chúng thất vọng cũng là điều dễ hiểu”, TS Khuất Thu Hồng phân tích.
Vì thế, theo TS Khuất Thu Hồng nếu coi việc sử dụng từ ngữ dung tục, thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội là một tiêu chí của hoa hậu thì BGK đã tìm hiểu kỹ hơn về các thí sinh trong quá trình thi.
Bà Hồng cho rằng, thời đại mạng xã hội như cuộc đời thứ hai thì việc bỏ qua tiêu chí ứng xử trên không gian mạng là điều đáng tiếc.
“Cách đây vài năm, Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng đã từng khuyên giới trẻ hãy cẩn trọng khi thể hiện mình trên Facebook, đừng để sau đó bạn phải hối tiếc.
Và theo tôi biết, hiện nhiều công ty khi tuyển nhân sự họ cũng tìm hiểu về ứng viên trên mạng xã hội nữa là muốn tìm người đại diện toàn vẹn cho phụ nữ Việt Nam như là tuyên ngôn của các cuộc thi hoa hậu.
Nếu đã không đặt ra từ đầu thì bây giờ chỉ nên theo dõi xem từ khi đội vương miện cô ấy có nói nữa không mà thôi”, TS Khuất Thu Hồng bày tỏ.
N. Huyền