Nơi những con sóng vỗ bờ (1): Hải Phòng
Với một đất nước có bờ biển trải dài như Việt Nam, biển đảo có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như cùng với đất liền, tạo ra môi trường sinh tồn của dân tộc Việt Nam. Trong nhiều công trình nghiên cứu về sự hình thành của con đường tơ lụa trên biển, các phát hiện khảo cổ học tại di tích tiền sử duyên hải phía Bắc Việt Nam như Hạ Long, Ngọc Vừng (Quảng Ninh) và Cái Bèo (Hải Phòng) cho thấy các nhóm cư dân ở đây đã tiến hành giao lưu sớm và mạnh với các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Cao Ly... Đó là do từ rất sớm, các vương triều Đại Việt đã có những động thái tích cực nhằm thúc đẩy thông thương qua đường biển. Riêng với Hải Phòng, đầu thế kỷ 16, vua quan nhà Mạc đã chủ trương phát triển Hải Phòng, lúc bấy giờ có tên gọi là Hải Đông, thành cửa ngõ thông thương của Đại Việt ra bên ngoài.
Từ đó đến nay, Hải Phòng không ngừng phát triển và trở thành một trong những trung tâm giao thông quốc tế lớn ở miền Bắc; đồng thời, khu vực biển Hải Phòng nằm trong Vịnh Bắc Bộ, giáp với lãnh hải của Trung Quốc nên đây là khu vực giữ vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng.
Hải Phòng từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất có cảng biển lớn ở miền Bắc, một đầu mối giao thông quan trọng, với hệ thống giao thông thủy, bộ, đường sắt, hàng không trong nước và quốc tế. Nơi đây có điều kiện tự nhiên rất phong phú, giàu đẹp, đa dạng và có nhiều nét độc đáo, mang sắc thái của cảnh quan nhiệt đới gió mùa.
Cảng Hải Phòng. |
Nhắc đến biển đảo Hải Phòng, không thể không nhắc đền quần đảo Cát Bà, thuộc huyện đảo Cát Bà, nằm cách TP Hải Phòng hơn 40km về phía Đông. Tổng diện tích hơn 300km2 với gần 400 hòn đảo lớn nhỏ, nơi đây đã chiếm một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và du lịch của Hải Phòng. Quần đảo Cát Bà là một hệ thống đảo đá vôi ven bờ, được hình thành qua lịch sử phát triển địa chất lâu dài. Cát Bà chứa đựng đầy đủ các giá trị nổi bật về đa dạng sinh học như rừng nguyên sinh, rừng ngập mặn, hang động và nhiều hệ động thực vật quý hiếm. Nhờ vậy, Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 3 tại Việt Nam.
Nét độc đáo của thiên nhiên Cát Bà là một vườn quốc gia đặc biệt, là sự kết hợp của nhiều hệ sinh thái khác nhau, như hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng ngập nước trên núi cao, rừng ngập mặn, và hệ sinh thái gần biển với các rạn san hô gần bờ.
Một thế mạnh mà thiên nhiên đã hào phòng ban tặng cho Cát Bà là những vịnh nước trong xanh đan xen các đảo đá trùng điệp với bãi cát êm ả trải dài, tạo thành khu tắm biển lý tưởng. Bên cạnh các bãi tắm Cát Tiên, Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Cò 3, đảo còn có nhiều bãi tắm hoang sơ khác đang được đưa vào phục vụ du khách. Không gian bình yên, tuyệt đẹp của biển xanh cát trắng ở Cát Bà chắc hẳn sẽ cuốn hút mọi du khách.
Biển Cát Bà có làn nước trong xanh và bãi cát trắng mịn trải dài. |
Ngoài ra, địa bàn Phù Long – Gia Luận là nơi tập trung diện tích lớn thảm rừng ngập mặn trên quần đảo Cát Bà, cũng được xem là một trong những thảm rừng ngập mặn có ý nghĩa quan trọng với hoạt động bảo tồn ở vùng duyên hải Đông Bắc.
Ở Cát Bà còn có một điểm du lịch mang giá trị lịch sử, đó là điểm du lịch pháo đài thần công, hay còn gọi là cao điểm 177. Hiện vật được lưu giữ lại, ngoài 2 khẩu pháo thần công còn có hệ thống đài quan sát và hầm hào phức tạp. Đây còn là chứng nhân lịch sử với nhiệm vụ giữ gìn vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc qua các thời kỳ kháng chiến giành độc lập cho dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Có vị trí địa lý thuận lợi trong mối quan hệ vùng để phát triển kinh tế - xã hội, quần đảo Cát Bà còn là khu vực thuận lợi về giao lưu với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, cửa ngõ thông thương với vận tải biển quốc tế. Với tiềm năng của mình, Cát Bà đang phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ sinh thái rừng, biển đảo, phục vụ nhu cầu tham quan du lịch ngày càng lớn của du khách trong và ngoài nước.
Du lịch sinh thái rừng - biển đảo đang phát triển mạnh trên đảo Cát Bà. |
Mặt khác, nguồn kinh tế từ hải sản vẫn được duy trì và phát triển ổn định ở cả 2 lĩnh vực khai thác và nuôi trồng. Về sản xuất thủy sản, huyện Cát Hải cũng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của các ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào các ngành sản xuất và nuôi trồng.
Hải Phòng là vùng đất đầu sóng, ngọn gió, là phên dậu phía Đông của đất nước, bởi vậy biển đảo Hải Phòng không chỉ là lợi thế để phát triển kinh tế và du lịch mà còn có vị trí chiến lược quan trọng, trong đó phải kể đến vai trò của Bạch Long Vĩ (Đuôi Rồng Trắng, Phù Thủy Châu), hòn đảo xa bờ nhất trong Vịnh Bắc Bộ.
Bạch Long Vĩ nằm giữa Vịnh Bắc bộ, đảo giữ vị trí quan trọng trong việc mở rộng các vùng biển và phân định biển Vịnh Bắc bộ. Ngoài ra, đảo còn nằm trên 1 trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc bộ, có một vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
Hải Phòng giờ đây đang chuyển mình với những con tàu ra khơi ngày càng nhiều hơn, các ngành nghề truyền thống cũng đang chuyển mình, đặc biệt ngành du lịch sinh thái đang vươn lên mạnh mẽ. Vùng đất quần tụ khí thiêng sông núi với những cư dân năng động, sáng tạo trong lao động, can trường trước sóng gió, xứng đáng là phên dậu phía Đông của Tổ quốc, là đô thị loại 1 và là một đầu mối giao thông quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.