Nỗi lo từ dòng người chen nhau đi xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội
Nếu không thực hiện được quy định chặt chẽ về lấy mẫu thì không nên tổ chức xét nghiệm sàng lọc tập trung. Một số điểm xét nghiệm tại TP.HCM vì chống dịch mà vi phạm quy tắc khoảng cách, là điều các địa phương cần rút kinh nghiệm.
Người có biểu hiện ho, sốt chưa rõ nguyên nhân sẽ được lấy mẫu xét nghiệm như thế nào?
Giám đốc CDC Hà Nội hướng dẫn người dân có biểu hiện ho, sốt nguyên nhân chưa rõ ràng, gọi điện đến y tế xã, phường sẽ được hẹn thời gian để lấy mẫu xét nghiệm chứ không tự ý đến.
Sáng nay 21/7, tại khu vực cổng Viện kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế có hàng trăm người xếp hàng chen lấn chờ xét nghiệm Covid-19.
Nhiều người được hỏi cho biết, tình trạng diễn ra từ khoảng 7h sáng và kéo dài đến 9h30 là khi Viện ngừng tiếp nhận người xét nghiệm.
Theo chia sẻ của người dân, họ nhận thức được việc tập trung đông người gây nguy cơ lây nhiễm Covid-19 nhưng vì bắt buộc cần có giấy xét nghiệm (khi đi đến các tỉnh) nên phải đi.
Người Hà Nội chen nhau đi xét nghiệm PCR làm giấy thông hành. |
Theo PGS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, việc tập trung đông người lấy mẫu xét nghiệm sẽ làm quá tải khâu xét nghiệm đó là chưa kể lây nhiễm cho người tới lấy mẫu.
Bình thường SARS-COV 2 chủ yếu chỉ lây qua giọt bắn và tiếp xúc, nhưng việc thực hiện thao tác lấy mẫu xét nghiệm là một thao tác giúp cho virus SARS-COV-2 có thể phát tán trong không khí, như vậy sẽ tạo nguy hiểm cho những người đến lấy mẫu, ngay cả khi có đảm bảo khoảng cách 2m.
Ngoài ra, áp lực số lượng lấy mẫu quá nhiều trong 1 thời gian ngắn nên nhân viên lấy mẫu không thể tuân thủ đúng việc thay găng, rửa tay giữa mỗi lần lấy mẫu và có thể làm lây nhiễm chéo qua đường tiếp xúc cho những người đến lấy mẫu.
PGS Thư cho rằng việc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc phải tuân thủ đúng các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn cơ bản, phải có lịch hẹn từng người, tránh tiếp xúc, tránh tập trung đông người, nhân viên lấy mẫu phải tuân thủ đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn.
Khi số lượng công việc càng tăng, nguy cơ lây nhiễm cũng sẽ tăng. Chúng ta thường lo lắng về việc lây nhiễm cho nhân viên lấy mẫu, nhưng chúng ta lại ít đề cập đến một nguy cơ lây nhiễm không kém phần quan trọng, đó là lây nhiễm chéo giữa người đến để được lấy mẫu. Tại những nơi phải lấy mẫu hàng loạt, nguy cơ này lại càng tăng cao.
Theo đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, mỗi nhân viên y tế khi lấy mẫu phải mang găng và sau đó tháo găng, rửa tay trước khi chuyển qua lấy mẫu cho người kế tiếp. Việc thay găng, rửa tay là quan trọng trong phòng lây nhiễm, nguy cơ lây truyền từ găng tay đã được nêu ra trong nhiều nghiên cứu trước đây.
Nếu không thực hiện được như vậy thì không nên tổ chức xét nghiệm sàng lọc tập trung đồng loạt. Một số các quốc gia có điều kiện đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. TP.HCM đã vì chống dịch mà vi phạm quy tắc khoảng cách và đây sẽ là điều các địa phương cần rút kinh nghiệm.
PGS Trần Đắc Phu – nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng hiện Hà Nội đang thực hiện giãn cách và việc tập trung đông người sẽ ảnh hưởng tới nguy cơ chống dịch nhất là khi số ca sàng lọc trong cộng đồng đã được ghi nhận.
TP.HCM cũng từng xảy ra chùm ca bệnh từ việc tụ tập đông người, từ việc tập trung xét nghiệm, tiêm vắc xin. Vì vậy, chúng ta cần thực hiện các biện pháp an toàn, giữ khoảng cách an toàn để tránh nguy cơ dịch bùng phát.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), nhận định việc xét nghiệm âm tính để đi lại giữa các địa phương vào thời điểm này là cần thiết. Song, giá trị của tờ giấy tùy thuộc vào 2 loại xét nghiệm cơ bản là xét nghiệm kháng nguyên nhanh và RT-PCR.
Trong đó, với xét nghiệm kháng nguyên nhanh, chỉ khi trong người nồng độ virus cao mới cho kết quả dương tính. Còn xét nghiệm RT-PCT thực hiện khó hơn nhưng độ nhạy tốt hơn, kể cả nồng độ virus ít vẫn phát hiện được.
Dù là loại nào, ông Nhung lưu ý “không thể chính xác 100%” vì rất có thể hôm nay âm tính nhưng ngày mai lại dương tính.
Trao đổi với phóng viên Infonet về sự việc nhiều người chen chúc chờ xét nghiệm, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết ngay sau khi biết sự việc, đích thân bà đã trao đổi với Quận Hoàng Mai và "sự việc đã xử lý".
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì việc chen chúc xếp hàng xét nghiệm Covid-19?
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết ngay sau khi biết sự việc, đích thân bà đã trao đổi với Quận Hoàng Mai và "sự việc đã xử lý"
Khánh Chi