Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói gì việc chen chúc xếp hàng xét nghiệm Covid-19?
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết ngay sau khi biết sự việc, đích thân bà đã trao đổi với Quận Hoàng Mai và "sự việc đã xử lý"
Người dân chen chúc chờ đến lượt xét nghiệm (Ảnh: Quang Hùng) |
Sáng 21/7, trước khu vực cổng Viện kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế, hàng trăm người xếp hàng chen lấn, không thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện... (theo Công điện 15) để chờ xét nghiệm Covid-19.
Theo nhiều người đi xét nghiệm cho biết mỗi lần xét nghiệm có giá 320.000 đồng/lần. Nhiều người được hỏi cho biết, tình trạng diễn ra từ khoảng 7h sáng và kéo dài đến 9h30 tới khi Viện ngừng tiếp nhận người xét nghiệm.
Bảo vệ của cơ sở này cho biết, Viện cũng có phương án nhắc nhở, giãn cách nhưng nhu cầu người dân quá lớn dẫn đến quá tải khiến lực lượng bảo vệ cũng bất lực. Tuy nhiên, một số người dân lại cho rằng, họ không nhận được thông báo hướng dẫn mà chỉ đến xếp hàng. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự tại BV Medlatec.
Được biết Viện kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế thuộc Bộ Y tế quản lý, còn Bệnh viện Medlatec là bệnh viện tư. Do đó, lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết "không có ý kiến".
Chen nhau đi xét nghiệm Covid-19 ở Hà Nội, cần nhìn lại bài học từ TP.HCM
Nếu không thực hiện được quy định chặt chẽ về lấy mẫu thì không nên tổ chức xét nghiệm sàng lọc tập trung. Một số điểm xét nghiệm tại TP.HCM vì chống dịch mà vi phạm quy tắc khoảng cách, là điều các địa phương cần rút kinh nghiệm.
Trao đổi với phóng viên Infonet, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết ngay sau khi biết sự việc, đích thân bà đã trao đổi với Quận Hoàng Mai và "sự việc đã xử lý".
Chia sẻ với phóng viên, một chuyên gia truyền nhiễm cảnh báo, việc không giữ khoảng cách tối thiểu 2m sẽ dẫn tới khả năng lây lan virus rất cao.
Khi người dân chen nhau như thế này (dưới 1m), chỉ cần một ca dương tính thì nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất lớn.
Người dân xếp hàng dài tại Viện kiểm định Quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế chờ xét nghiệm Covid-19 (Ảnh: Quang Hùng) |
Do đó, vị này khuyến cáo khi đi lấy mẫu xét nghiệm, người dân nhất thiết phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, đảm bảo đủ khoảng cách. Không chỉ các nơi lấy mẫu xét nghiệm, mà những nơi tụ tập đông người như chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa... người dân cần tuyệt đối tuân thủ việc đeo khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, nếu không khả năng nhiễm virus là rất cao.
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam từng nhấn mạnh giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính chỉ là chứng nhận tạm thời tại thời điểm xét nghiệm rằng một người về cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2, không phải nguồn bệnh lây cho người khác.
Kết quả này “không thể chính xác 100%” vì có khi sai sót, hoặc có khi người mới nhiễm virus 1-2 ngày đầu thì xét nghiệm không cho ra kết quả dương tính.
“Giấy xét nghiệm không thể chứng nhận một người không thể nhiễm mới”, ông lưu ý.
Vì giá trị của giấy xét nghiệm Covid-19 chỉ trong ngắn hạn, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đã được quán triệt, thực hiện nghiêm 5K, đặc biệt, không tập trung đông người, vì bất cứ ai trong đám đông cũng có thể là F0.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), nhận định việc xét nghiệm âm tính để đi lại giữa các địa phương vào thời điểm này là cần thiết. Song, giá trị của tờ giấy tùy thuộc vào 2 loại xét nghiệm cơ bản là xét nghiệm kháng nguyên nhanh và RT-PCR.
Trong đó, với xét nghiệm kháng nguyên nhanh, chỉ khi trong người nồng độ virus cao mới cho kết quả dương tính. Còn xét nghiệm RT-PCT thực hiện khó hơn nhưng độ nhạy tốt hơn, kể cả nồng độ virus ít vẫn phát hiện được.
Dù là loại nào, ông Nhung lưu ý “không thể chính xác 100%” vì rất có thể hôm nay âm tính nhưng ngày mai lại dương tính.
N. Huyền