Nối gót ông Trump, ông Biden vẫn sử dụng ‘vũ khí’ trừng phạt?
Nhiều khả năng, ông Biden sẽ tiếp tục thi hành áp đặt các lệnh trừng phạt tương tự như những gì ông Trump đã làm nhưng sẽ có sự sửa đổi.
Reutes đưa tin, các nguồn tin cho hay, trong quá trình tái định hình chính sách đối ngoại của Mỹ, Tổng thống đắc cử Joe Biden dường như sẽ không từ bỏ việc sử dụng loại “vũ khí” mà chính quyền của Tổng thống Donald Trump từng lựa chọn đó là “lệnh trừng phạt”.
Cũng theo nguồn tin, khi ông Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2021, ông sẽ nhanh chóng điều chỉnh lại chính sách cứng rắn của ông Trump, đồng thời có khoảng thời gian cân nhắc kỹ trước khi đưa ra bất cứ thay đổi lớn nào đối với các mục tiêu trừng phạt hàng đầu như Iran và Trung Quốc.
Nối gót ông Trump, khả năng ông Biden vẫn sử dụng "vũ khí" trừng phạt để đối phó với các đối thủ. (Ảnh: New York Times) |
Thách thức mà ông Biden sẽ phải đối mặt là lựa chọn duy trì những lệnh trừng phạt nào, cái nào cần xóa bỏ và cái nào cần mở rộng. Bởi trong 4 năm cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Trump đã cho áp đặt loạt lệnh trừng phạt kinh tế với tần suất chưa từng có trong lịch sử và thường là áp đặt lệnh trừng phạt một cách đơn phương. Nhưng cuối cùng, các lệnh trừng phạt mà Mỹ ban hành vẫn không thể khiến đối thủ khuất phục.
Một nguồn tin giấu tên cho biết, công tác sửa đổi chiến lược sẽ được tiến hành với sự hỗ trờ từ ban đánh giá các chương trình trừng phạt và ban này đi vào hoạt động ngay sau khi ông Biden nhậm chức.
Song trước đây, ông Biden cũng đã ám chỉ lệnh trừng phạt sẽ vẫn là công cụ chính trong sức mạnh của Mỹ, nhưng nó sẽ không giống như chính sách “Nước Mỹ là trên hết” mà ông Trump đã thi hành.
“Không có sự bước lùi và cũng như không bước đi thêm. Việc sử dụng lệnh trừng phạt như một công cụ sẽ được tái xem xét”, một quan chức thân với nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden tiết lộ.
Theo hai nguồn tin, khả năng trong thời gian tới, các lệnh trừng phạt được ông Trump ban hành hồi tháng Chín đối với các quan chức của Tòa án Hình sự quốc tế về cuộc điều tra liên quan tới quân đội Mỹ phạm phải tội ác chiến tranh ở Afghanistan sẽ được gỡ bỏ.
Ngoài ra, một nguồn tin khác cho hay ông Biden có thể đồng hành với Anh và Liên minh châu Âu (EU) trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga trước cáo buộc đầu độc nhân vật đối lập Alexei Navalny. Trong khi đó, Moscow đã nhiều lần lên tiếng phủ nhận không liên quan tới vụ đầu độc ông Navalny.
Lệnh trừng phạt mới
Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Trump vẫn không ngừng cho áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm làm khó người kế nhiệm Biden trong nỗ lực nối lại thỏa thuận hạt nhân với Iran hay nhanh chóng hâm nóng quan hệ với Trung Quốc, sau khi Nhà Trắng ban bố cấm vận đối với loạt quan chức thuộc đảng Cộng sản Trung Quốc.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã cho ban hành lệnh trừng phạt liên tiếp theo diễn biến của tình hình quốc tế từ hoạt động của quân đội Iran, cho tới kho hạt nhân của Triều Tiên và cuộc khủng hoảng chính trị của Venezuela.
Cụ thể, theo số liệu của Trung tâm An ninh Mỹ mới, chính quyền của ông Trump đã đưa ra khoảng 3.800 lệnh trừng phạt mới so với con số 2.350 lệnh trừng phạt mà Tổng thống Barack Obama công bố trong nhiệm kỳ thứ hai.
Cùng lúc, chính quyền của ông Trump còn thi hành chính sách cấm cấp visa nhằm vào hơn 200 quan chức nước ngoài. Đây là lệnh trừng phạt hiếm khi được các chính quyền tiền nhiệm thi hành. Bên cạnh đó, Mỹ còn thực hiện các lệnh trừng phạt thứ hai nhắm tới cả bạn lẫn thù.
Theo các nguồn tin, dù ông Biden vẫn tăng cường sử dụng các biện pháp cưỡng ép như trên, nhưng sẽ có sự thay đổi như tăng cường thỏa thuận và phối hợp với các đồng minh trước khi đưa ra lệnh trừng phạt.
“Lệnh trừng phạt không phải là viên đạn bạc. Lệnh trừng phạt cần được thi hành như một phần trong chiến lược toàn diện hơn, nhưng điều này lại hoàn toàn vắng bóng trong chính quyền của Tổng thống Trump”, ông Hagar Hajjar Chemali, một quan chức chuyên trách về lệnh trừng phạt dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama cho hay.
Các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Trump vẫn cho rằng, việc Mỹ siết chặt lệnh trừng phạt kinh tế đã và đang gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho một số đối thủ của Washington và điều này có tạo ra đòn bẩy giúp chính quyền sắp tới của ông Biden. Nhưng trên thực tế, những quốc gia bị Mỹ trừng phạt lại không có dấu hiệu nhượng bộ trước các yêu cầu từ phía chính quyền Tổng thống Trump.
Điển hình, bất chấp việc ông Trump quay trở lại áp đặt các lệnh trừng phạt, Iran vẫn từ chối tái đàm phán thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) được ký kết năm 2015, nhưng Mỹ đã đơn phương rút khỏi hồi năm 2018. Hay như chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro vẫn không bị lật đổ. Và Triều Tiên vẫn tiếp tục xây dựng kho hạt nhân.
Dù hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt liên quan tới vấn đề Biển Đông, Hong Kong, thương mại và công nghệ, Trung Quốc cũng không chịu nhượng bộ Mỹ.
Nhiều người còn chỉ trích việc ông Trump mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào các cá nhân, cũng như đưa loạt quan chức nước ngoài vào danh sách đen để tiến hành phong tỏa tài sản, đồng thời cấm người Mỹ bắt tay làm ăn với họ. Những động thái này chỉ có tác dụng đối với khối tài sản và các khoản đầu tư nằm trên đất Mỹ, nhưng chỉ mang tính biểu tượng ở ngoài lãnh thổ Mỹ.
Thậm chí, những quan chức thân cận của ông Biden còn lo ngại việc quá lạm dụng lệnh trừng phạt có thể mang tới tác dụng phụ, nếu như nhiều nước khác cho xây dựng các cơ chế để né tránh mạng lưới tài chính mà Mỹ đang chiếm ưu thế.
TT Putin chúc mừng ông Biden chiến thắng bầu cử Tổng thống Mỹ
Hôm nay (15/12), điện Kremlin thông báo Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thư chúc mừng ông Joe Biden giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020.
Minh Thu (lược dịch)