Nỗ lực phát triển kinh tế số, xã hội số ở Cần Thơ
Chia sẻ về những nỗ lực của Thành phố Cần Thơ trong việc phát triển kinh tế số, xã hội số, ông Huỳnh Hoàng Mến, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Cần Thơ dẫn chứng một số hoạt động nổi bật như: Thành phố đang triển khai Chương trình số 05 ngày 17/2/2022 về phát triển thương mại điện tử thành phố Cần Thơ năm 2022, hướng dẫn người dân tạo tài khoản, viết bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, trên các mạng xã hội.
Cùng với đó, thanh toán điện tử không dùng tiền mặt được đẩy mạnh với việc thanh toán tiền điện, tiền nước, thanh toán học phí, viện phí, triển khai mô hình chợ 4.0 (đã triển khai được 7 chợ)… và các dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại, du lịch cũng từng bước phát triển. Hiện tại, một số đơn vị đã được triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Kết quả ban đầu đáng khích lệ đã được Giám đốc Huỳnh Hoàng Mến phấn khởi chia sẻ thông qua những con số cụ thể: 100% doanh nghiệp đã triển khai sử dụng hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp nộp thuế, kê khai thuế qua mạng từ ngày 1/7/2022; Triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân cho khoảng 82% dân số thành phố; 100% học sinh có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; 100% cơ sở đào tạo triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Đến tháng 6/2022, trên địa bàn thành phố Cần Thơ được lắp đặt 391 máy ATM, 6.160 chiếc POS/EFTPOS và 4.823 đơn vị chấp nhận thẻ. Tính đến cuối năm 2021 có 919.167 người trên 15 tuổi mở tài khoản tại ngân hàng và 1.517.748 tài khoản giao dịch thanh toán.
43 doanh nghiệp đăng ký tham gia Cổng thông tin kết nối tiêu thụ nông sản cho một số sản phẩm chủ lực của thành phố, triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc với 232 sản phẩm được đăng tải.
4/9 quận, huyện có hệ thống Trung tâm giám sát an ninh trật tự gồm: Bình Thủy, Thốt Nốt, Cái Răng và Phong Điền với tổng số 552 đầu camera; 80/83 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình “Camera phòng, chống tội phạm” với trên 3.500 đầu camera phòng chống tội phạm…
Tuy nhiên, người đứng đầu Sở Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắn nhìn nhận một số khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương.
“Đa số doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn thuộc loại hình nhỏ và siêu nhỏ, các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến việc chuyển đổi số, trong khi đó lại chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực và thường xuyên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuyển đổi số. Hoạt động quản lý thương mại điện tử, công tác tuyên truyền và thu thuế của các cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn do các cá nhân có thể dễ dàng tự thiết lập và sử dụng nhiều tài khoản đăng nhập vào các trang mạng Facebook, Zalo..., không khai báo hoặc đăng ký thông tin địa điểm kinh doanh mua bán. Điều kiện tiếp cận công nghệ số, kỹ năng số của bộ phận người dân vùng nông thôn còn hạn chế, nhất là việc tiếp cận sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước còn thấp, vẫn có thói quen sử dụng tiền mặt (chưa có ký số, thiết bị di động thông minh, tài khoản thanh toán điện tử,…). Chuyển đổi số một số lĩnh vực ưu tiên còn chậm triển khai, do chưa có cơ chế cụ thể để ưu tiên tài chính ngân sách, huy động nguồn lực đảm bảo cho triển khai nên ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động, dự án”, ông Huỳnh Hoàng Mến nhận định.
Chia sẻ thêm về định hướng chuyển đổi số góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Cần Thơ thời gian tới, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Chính quyền Thành phố sẽ tích cực triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuyển đổi số, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố.
Các cấp, các ngành quan tâm thúc đẩy phát triển kinh tế số của ngành, lĩnh vực, địa phương mình, trong đó quan tâm xây dựng một số hình mẫu phát triển kinh tế số trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, thương mại, và logistics theo gợi ý nhóm chuyên gia tư vấn chuyển đổi số.
Về phát triển xã hội số, sẽ hỗ trợ người dân có thêm điều kiện tiếp cận dịch vụ công, chuyển đổi số, trong đó chú trọng triển khai chương trình viễn thông công ích thực hiện hỗ trợ máy tính bảng và dịch vụ viễn thông thông di động (4G) cho đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách xã hội theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; Triển khai các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền người dân sử dụng tài khoản thanh toán điện tử.
Cùng với đó, sẽ nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng “Cần Thơ Smart City” như một nền tảng di động cung cấp đa dịch vụ, tiện ích phục vụ người dân và doanh nghiệp; Xây dựng các mô hình xã hội số như: Mô hình khu phố số (hay khu phố thông minh), Mô hình nông thôn mới thông minh.
Anh Duy